THAM LUẬN
ĐỔI MỚI
PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC CỦA HỌC SINH TIỂU HỌC
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Tôi rất vinh dự được thay mặt
cho các đồng chí đảng viên chi bộ Trường Tiểu học Phong Mỹ 4, những người làm
công tác giáo dục trên địa bàn xã Phong Mỹ, kính chúc quý vị đại biểu mạnh
khoẻ, hạnh phúc, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Trước tiên, tôi hoàn toàn đồng
ý với nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của BCH Đảng uỷ vừa
trình bày. Được sự cho phép của ban tổ chức, Tôi xin phát biểu ý kiến tham luận
về đổi mới phương pháp dạy và học của học sinh tiểu học.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy và học của học sinh tiểu học là việc làm cần
thiết và tất yếu đối với mỗi giáo viên. Việc đổi
mới phương pháp dạy và học phải được tiến hành tập trung, thống nhất từ trên
xuống dưới, nó vừa có tính kế hoạch nhưng cũng cần bảo đảm tính sáng tạo. Những
giải pháp đưa ra phải sát với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan,
đơn vị và phù hợp với năng lực của mỗi giáo viên và học sinh. Để thực hiện tốt
việc đổi mới dạy và học theo tinh thần Chỉ thị
số 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo tôi cần thực hiện tốt các giải pháp
sau:
- Cải tiến các phương pháp dạy học truyền
thống như thuyết trình, đàm thoại, luyện tập đòi hỏi giáo viên phải nắm vững
những yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật trong việc chuẩn bị cũng như
tiến hành bài lên lớp, kỹ thuật đặt các câu hỏi và xử lý các câu trả lời trong
đàm thoại, hay kỹ thuật làm mẫu trong luyện tập theo quan điểm dạy học giải
quyết vấn đề.
- Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học
là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy
học. Dạy học toàn lớp, dạy học nhóm, nhóm đôi và dạy học cá thể là những hình
thức xã hội của dạy học cần kết hợp với nhau, mỗi một hình thức có những chức
năng riêng. Tình trạng độc tôn của dạy học toàn lớp và sự lạm dụng phương pháp
thuyết trình cần được khắc phục, đặc biệt thông qua làm việc nhóm. Trong thực
tiễn dạy học ở trường tiểu học hiện nay, nhiều giáo viên đã cải tiến bài lên
lớp theo hướng kết hợp thuyết trình của giáo viên với hình thức làm việc nhóm,
góp phần tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh. Tuy nhiên hình thức làm
việc nhóm rất đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết các nhiệm vụ học
tập nhỏ xen kẽ trong bài thuyết trình, mà còn có những hình thức làm việc nhóm
giải quyết những nhiệm vụ phức hợp, có thể chiếm một hoặc nhiều tiết học, sử
dụng những phương pháp chuyên biệt như phương pháp đóng vai, nghiên cứu trường
hợp, dự án.
- Vận dụng dạy học giải quyết vấn đề
là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và
giải quyết vấn đề. Học sinh được đặt trong một tình huống có vấn đề, đó là tình
huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học
sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học giải quyết
vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có
thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của
học sinh. Các tình huống có vấn đề là những tình huống khoa học chuyên môn,
cũng có thể là những tình huống gắn với thực tiễn. Trong thực tiễn dạy học hiện
nay, dạy học giải quyết vấn đề thường chú ý đến những vấn đề khoa học chuyên
môn mà ít chú ý hơn đến các vấn đề gắn với thực tiễn.
- Vận dụng dạy học theo tình huống là
tạo điều kiện cho học sinh kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mối tương
tác xã hội của việc học tập. Các chủ đề dạy học phức hợp là những chủ đề có nội
dung liên quan đến nhiều môn học hoặc lĩnh vực tri thức khác nhau, gắn với thực
tiễn.
- Vận dụng dạy học định hướng hành động là học
sinh tự lực thực hiện trong nhóm một nhiệm vụ học tập phức hợp, gắn với các vấn
đề thực tiễn, kết hợp lý thuyết và thực hành, có tạo ra các sản phẩm có thể
công bố.
- Tăng cường sử dụng phương tiện dạy – học và
công nghệ thông tin hợp lí
- Sử dụng các kĩ thuật dạy học phát huy tính
tích cực và sáng tạo như kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay cần
chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực,
sáng tạo của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá”, bản đồ tư duy.
- Bên cạnh đó cần chú trọng các phương pháp
dạy học đặc thù bộ môn và quan tâm đến việc bồi dưỡng phương pháp học tập tích
cực cho học sinh.
Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý!
Kính thưa toàn thể hội nghị!
Trên đây là ý kiến tham luận
về đổi mới phương pháp dạy và học của học sinh tiểu học. Rất mong nhận được ý
kiến đóng góp của các đồng chí. Cuối cùng một lần nữa xin kính chúc quý vị đại
biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp!
Tôi
xin trân trọng cảm ơn!