Cung cấp cho học sinh lớp 1 các kiến thức lịch sử và địa lý ban đầu thông qua dạy học tích hợp với môn Tiếng Việt.

 


Tên đề tài: Cung cấp cho học sinh lớp 1 các kiến thức lịch sử và địa lý ban đầu thông qua dạy học tích hợp với môn Tiếng Việt.

1. Thực trạng trước khi có sáng kiến:

Hiện nay, có một thực trạng đáng buồn đó là học sinh (HS) phổ thông không thích học và không nắm được các kiến thức cơ bản của môn Lịch sử và Địa lý (rất ít HS chọn Lịch sử và Địa lý là môn thi tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia; nhiều bài thi của hai môn học này đạt phổ điểm rất thấp).

Nguyên nhân của thực trạng trên có cả từ chủ quan: nhận thức của một bộ phận không nhỏ học sinh và cha mẹ các em về việc học tập các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn còn hạn chế; phương pháp giảng dạy và truyền đạt của một số giáo viên giáo viên chưa thực sự đổi mới, chưa kích thích được sự hăng say học tập và thu hút học sinh vào bài...) lẫn nguyên nhân khách quan: nội dung, kiến thức còn nặng nề, mang tính "hàn lâm" quá cao; việc bố trí thời lượng, cấu trúc chương trình chưa thật hợp lý...

Ở cấp Tiểu học (Trung học), Lịch sử và Địa lý được chính thức đưa vào chương trình dạy học bắt đầu từ lớp 4 với tên gọi là môn học "Lịch sử và Địa lý" với hai phân môn riêng: Lịch sử và Địa lý.  Như vậy, ở các lớp 1, 2 và 3 thì các biểu tượng, khái niệm cơ bản nhất về lịch sử và địa lý chưa được cung cấp một cách "chính thức" và có hệ thống cho các em học sinh.

Tôi cho rằng, việc cấu trúc chương trình, biên soạn sách giáo khoa và bố trí môn Lịch sử và Địa lý vào dạy cho học sinh từ lớp 4 đã được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ càng từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, dù cho các phân môn Lịch sử và Địa lý chỉ bắt đầu được dạy học từ lớp 4 nhưng để các em HS tiếp cận được với các kiến thức hoàn toàn mới mẻ so với 3 năm học trước và có hứng thú để học các phân môn này thì việc chuẩn bị cho các em ngay từ những năm đầu cấp TH (lớp 1, 2 và 3) là điều hết sức cần thiết.

2. Tính mới của sáng kiến:

Một trong những biện pháp để thực hiện tốt việc này là cần phải cho các em làm quen với các biểu tượng lịch sử và địa lý - dù ở mức độ đơn giản và phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Con đường ngắn nhất để thực hiện đạt kết quả công việc trên là tích hợp cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản về lịch sử và địa lý thông qua việc dạy học tích hợp. Ở tiểu học nói chung - các lớp 1, 2 và 3 nói riêng, môn học có nguồn dữ liệu tương đối phong phú chính là môn Tiếng Việt.

Các giải pháp, biện pháp thực hiện sau:

1. Hệ thống các dữ liệu có liên quan đến lịch sử và địa lý trong sách giáo khoa Tiếng việt lớp 1

Biện pháp đã thực hiện: rà soát trong sách giáo khoa các đoạn văn có chứa dữ liệu về lịch sử và địa lý có thể khai thác.

Kết quả: chúng tôi đã hệ thống được một số từ và đoạn văn, bài văn ngắn trong sách Tiếng Việt 1, tập 2 (Công nghệ giáo dục) như  sau:

- Từ: giỗ tổ (bài 3, trang 4), Hoa Lư, Cổ Loa (bài 3, trang 8).

- Đoạn văn, bài văn ngắn: Đi Huế (bài 3, trang 17), Giỗ Tổ (bài 3, trang 41); Biển Nha Trang (bài 4, trang 71), Đà Lạt (bài 4, trang 75), Chùa Một Cột (bài 4, trang 99), Dòng giống Tiên Rồng (bài 4, trang 113), Sông Hương (bài 4, trang 119), Bánh Chưng, bánh giầy (bài 4, trang 131).

2. Quán triệt các quan điểm cơ bản về dạy học tích hợp trong việc cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh qua môn Tiếng Việt

Khái niệm về dạy học tích hợp, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về dạy học tích hợp, ở mức độ đơn giản nhất, tôi cho rằng dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học ở các mức độ khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu này, tôi chọn những nội dung về lịch sử và địa lý có liên quan đến nội dung dạy học trong bài Tiếng Việt để tích hợp dạy học cho HS với mong muốn bước đầu cung cấp cho các em một số kiến thức cơ bản về lịch sử và địa lý Việt Nam, góp phần tạo cơ sở cho các em học Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4 và 5 trong chương trình cấp TH.

Đối với học sinh, các chủ đề được tích hợp có tính thực tiễn nên sinh động, hấp dẫn đối với các em, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh. Học các chủ đề được tích hợp, liên môn, các em sẽ được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc - dù chỉ ở mức độ rất cơ bản.

Đối với giáo viên thì ban đầu có thể có chút khó khăn do việc phải tìm hiểu sâu hơn những kiến thức thuộc các môn học khác. Tuy nhiên khó khăn này chỉ là bước đầu và có thể khắc phục dễ dàng bởi hai lý do: Trong quá trình dạy học, GV vẫn thường xuyên phải dạy những kiến thức có liên quan đến các môn học khác và vì vậy đã có sự am hiểu về các kiến thức liên quan; Với việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, vai trò của GV không còn là người truyền thụ kiến thức mà là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của HS cả ở trong và ngoài lớp học;

3. Thực hiện cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh khi dạy học bằng phương pháp tích hợp

a. Đối với từ và đoạn văn, bài văn ngắn có yếu tố lịch sử

Đối với từ:

-  "Giỗ tổ": giáo viên giải thích ngắn gọn về nghĩa của từ này, đồng thời chỉ mở rộng thêm: "Hàng năm, nước ta có ngày Giỗ tổ là các Vua Hùng vào ngày mồng 10 tháng ba". Cùng trong bài 3, có đoạn văn "Giỗ tổ", khi học sinh tiếp cận được với đoạn văn này, HS sẽ nhớ đoạn văn nói về ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

- "Hoa Lư", "Cổ Loa": giáo viên chỉ giới thiệu : "Hoa Lư và Cổ Loa là những kinh đô cũ của nước ta thời xưa".

Đối với đoạn văn, bài văn ngắn:

- "Giỗ tổ": giáo viên mở rộng thêm: "các Vua Hùng là Tổ nước ta, được người dân cúng giỗ vào ngày mồng 10 tháng ba". Khi nghe đến đây, HS sẽ nhớ lại nội dung đã được giáo viên cung cấp khi học từ "giỗ tổ".

- "Đi Huế": giáo viên giải thích thêm: "Cố đô là kinh đô cũ", đồng thời liên kết kiến thức đã mở rộng khi dạy các từ: "Hoa Lư", "Cổ Loa" để HS biết Huế, Hoa lư và Cổ Loa đều là những kinh đô cũ của nước ta thời xưa.

- "Dòng giống Tiên Rồng" giáo viên mở rộng thêm" Đây là sự tích về lịch sử dân tộc ta, truyền thuyết cho rằng Vua Hùng là một trong những người con theo bà Âu Cơ lên núi".

- "Bánh chưng, bánh giầy": giáo viên nói thêm" Đây la câu chuyện nói lên truyền thống cần cù và khéo léo trong lao động của nhân dân ta".

b. Đối với đoạn văn ngắn có yếu tố địa lý

"Biển Nha Trang": giáo viên nói thêm: "Nha Trang là vùng du lịch nổi tiếng ở Miền Trung nước ta".

"Đà Lạt": GV nói thêm: "Đà Lạt là vùng du lịch, nghỉ mát nổi tiếng ở Tây Nguyên".

"Chùa Một Cột": GV nói thêm: "Chùa Một Cột nằm trong Khu di tích Lăng Bác Hồ ở thủ đô Hà Nội".

"Sông Hương": GV nói thêm: "Ở Huế, ngoài sông Hương còn có núi Ngự làm đẹp thêm cho kinh đô cũ".

4. Một số lưu ý khi thực hiện

a. Tích hợp nhưng không làm mất đi bản chất của môn Tiếng Việt

Người GV phải xác định rõ mục tiêu của việc cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh khi dạy học bằng phương pháp tích hợp với môn Tiếng Việt chỉ ở mức đơn đơn giản nhất. Việc cung cấp cho các em các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý chỉ là mục tiêu phụ, còn mục tiêu chính vẫn phải thực hiện các yêu cầu đọc, viết, ghép vần... của môn Tiếng Việt.

Để vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu của môn học chính - Tiếng Việt, vừa đạt được mục tiêu của các nội dung cần tích hợp, giáo viên phải vận dụng một cách khéo léo và đồng bộ các thủ thuật, phương pháp lên lớp:

- Không nhất thiết nội dung nào có yêu tố lịch sử và địa lý thì giáo viên phải tích hợp nội dung đó vào bài dạy vì việc mở rộng, cung cấp thêm các kiến thức tích hợp chỉ là phần mang tính chất "bổ trợ" chứ không phải yêu cầu bắt buộc phải thực hiện. Trong khi đó, với học sinh lớp 1 thì yêu cầu nâng cao vốn từ, rèn luyện kỹ năng đọc đúng, viết đúng cho học sinh quan trọng ơn rất nhiều.

- Việc tích hợp chỉ thực hiện khi có đủ các yếu tố cần thiết có liên quan: hiểu biết của giáo viên về nội dung tích hợp; việc diễn đạt các nội dung tích hợp từ hiểu biết của giáo viên thành ngôn ngữ của học sinh để các em tiếp thu; khả năng tiếp thu các kiến thức tích hợp của sinh; điều kiện về thời gian và không gian của tiết học.

b. Việc kiểm tra và đánh giá trong tích hợp cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh khi dạy học

Trong quá trình dạy học, kiểm tra và đánh giá là một thành tố quan trọng, kiểm tra để xem xét mức độ tiếp thu kiến thức và vận dụng kỹ năng đối với HS sau khi giáo viên truyền đạt và hướng dẫn. Trong việc tích hợp cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh khi dạy học môn Tiếng Việt việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng phải được lồng ghép trong tổng thể kiểm tra, đánh giá chung đối với kiểm tra, đánh giá mứcđộ tiếp thu và vận dụng kiến thức, kỹ năng chung.

Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với việc kiểm tra, đánh giá trong trường hợp này ở mức độ đơn giản và không nhất thiết phải thực hiện thường xuyên vì:

- Không phải tiết học nào, bài nào cũng có kiến thức tích hợp.

- Mục đích chính của việc tích hợp chỉ là cung cấp các kiến thức ban đầu về lịch sử và địa lý cho học sinh khi dạy học môn Tiếng Việt để tạo tiền đề cho HS học tốt môn học này khi học lên các lớp trên.

c. Sử dụng thiết bị dạy học và tổ chức trò chơi học tập trong dạy học

Không cần thiết phải chuẩn bị đồ dùng dạy học và thiết kế các trò chơi học tập riêng cho việc tích hợp.

Trong quá trình lên lớp, giáo viên sử dụng đồ dùng dạy học và các trò chơi học tập đã được chuẩn bị để sử dụng vào mục đích tích hợp nếu phù hợp.

3. Khả năng áp dụng của sáng kiến:

Các biện pháp trên có khả năng áp dụng trong thực tế dạy học cao vì tính thực tiễn và khoa học.

Các biện pháp trên có thể áp dụng rộng rãi trong dạy học ở các trường tiểu học trong và ngoài huyện.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn thì giáo viên cần có những điều chỉnh hợp lý để phù hợp với thực tế lớp đang giảng dạy.

4. Hiệu quả của sáng kiến mang lại:

Bước đầu:

- Cung cấp cho HS một số kiến thức cơ bản ban đầu về lịch sử và địa lý Việt Nam, góp phần tạo cơ sở cho các em học Lịch sử và Địa lý ở các lớp 4 và 5 trong chương trình cấp TH.

- Đối với học sinh, các chủ đề được tích hợp có tính thực tiễn nên sinh động, hấp dẫn đối với các em, có ưu thế trong việc tạo ra động cơ, hứng thú học tập cho học sinh. Học các chủ đề được tích hợp, liên môn, các em sẽ được tăng cường vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết các tình huống thực tiễn, ít phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc - dù chỉ ở mức độ rất cơ bản.

- Hình thành cho HS lòng yêu thích tìm hiểu về quê hương, đất nước qua các nội dung được tích hợp.

Post a Comment

Previous Post Next Post