MỘT SỐ BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG HỌC SINH LỚP 1 THI GIẢI TOÁN QUA MẠNG INTERNET TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN DƯƠNG 1, HUYỆN LAI VUNG.

 

          


MỘT SỐ BIỆN PHÁP BỒI DƯỠNG HỌC SINH LỚP 1 THI GIẢI TOÁN QUA MẠNG INTERNET TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN DƯƠNG 1, HUYỆN LAI VUNG.

B. Nội dung

I. Thực trạng và nguyên nhân

1.     Thực trạng

a. Thuận lợi

          Được Ban giám hiệu quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh.

          Giáo viên nhiệt tình với chuyên môn

          Chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh ủng hộ, học sinh tích cực hứng thú quan tâm tới cuộc thi.

          Từ việc giải toán trên máy tính học sinh tiếp thu được rất nhiều kiến thức toán học và rèn được nhiều thao tác kĩ năng khi sử dụng máy vi tính. Học sinh được khám phá và làm chủ máy vi tính, tạo tính sáng tạo, hứng khởi cho các em mỗi khi học giải toán qua mạng.

b. Khó khăn

         +  Khó khăn chung

          Ở một số cơ sở giáo dục không có giáo viên có khả năng bồi dưỡng tốt hoặc không có học sinh có tố chất thông minh.

          Một số đề tài bồi dưỡng học sinh giải toán trên mạng Internet được đưa lên mạng cũng chỉ nêu được cách tổ chức thực hiện, cách tạo nick, tạo mã đề thi,... mà người dạy, người học không lấy nó làm cẩm nang vận dụng.

         +  Khó khăn riêng

           Là một trường nằm ở vùng ven đời sống của người dân còn khó khăn, nhận thức của học sinh còn chậm.

          Những học sinh có ý thức học thì lại được gia đình cho ra học ở những nơi có điều kiện hơn. Vì vậy việc lựa chọn đội tuyển học sinh thi giải toán qua mạng rất khó khăn.

           Năm học 2015 - 2016, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 1 và phụ trách công tác hướng dẫn cũng như bồi dưỡng học sinh năng khiếu dự thi giải toán qua mạng Internet. Chất lượng học sinh có năng khiếu về môn Toán vào đầu năm rất ít. Tôi đã tiến hành khảo sát vòng thi số 1 cho học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tân Dương 1, kết quả đạt được như sau:

Số học sinh

   Số học sinh

     vượt qua

   Số học sinh

Không vượt qua

 Bài không

  giải được

          15

           0

            15

  Bài thi số 2 và bài thi số 3

           Qua kết quả khảo sát trên cho thấy trình độ nhận thức của học sinh đạt được như vậy là còn thấp so với các dạng Toán trên mạng hiện nay.

2. Nguyên nhân

           Nói về vấn đề bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi giải toán qua mạng Internet bậc Tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng, trên thực tế còn nhiều khó khăn chưa đạt hiệu quả cao. Có rất nhiều lý do, nguyên nhân khá phổ biến như:

           Yêu cầu học sinh phải có kĩ năng sử dụng máy vi tính tương đối thành thạo mà học sinh lớp 1 thì chưa được học bộ môn Tin học.

           Yêu cầu về nội dung chương trình thi của một vòng thi thì nhiều mà thời gian giải toán cho một vòng thi là rất ngắn (60 phút/vòng thi, bao gồm ba bài thi) mà nội dung các bài toán tương đối khó đối với học sinh, các em rất lúng túng và thiếu tự tin khi dự thi trên máy vi tính.

           Công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu của giáo viên chưa đầu tư cao, việc bồi dưỡng chỉ thực hiện ở những giờ quy định theo thời khoá biểu.

           Sự quan tâm của phụ huynh học sinh còn hạn chế đồng thời nhiều học sinh chưa có điều kiện học tập ở nhà (máy vi tính và đường truyền nối mạng Internet).

           Về phía Nhà trường thì chưa có phòng máy vi tính để tạo điều kiện cho các em tham gia học giải toán qua mạng Internet.

II.  Các biện pháp đã thực hiện

1 / Vai trò người thầy

           Trước hết, ta phải xác định vai trò của người thầy là hết sức quan trọng. Bởi vì người thầy có vai trò chỉ đạo và hướng dẫn học sinh, gợi ý, dẫn dắt học sinh để đi đến các phương pháp học nói chung và giải toán nói riêng. Nếu học sinh có kiến thức cơ bản tốt, có tố chất thông minh mà không được bồi dưỡng, nâng cao tốt thì sẽ ít có hiệu quả hoặc không có hiệu quả. Đồng thời giáo viên lại phải lựa chọn đúng đối tượng học sinh vào bồi dưỡng và phải soạn thảo chương trình bồi dưỡng một cách hợp lí, khoa học và sáng tạo.

           Thực tế cho thấy một số em có tố chất tốt nhưng ý thức học tập không cao, ẩu thả, thiếu nỗ lực cố gắng thường thi đạt kết quả thấp. Vì thế, để học sinh luôn cố gắng hết khả năng của mình, giáo viên cần thường xuyên tác động tới ý thức học tập của học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, như : Nêu gương các anh chị những năm trước, kể cho các em nghe một số kì thi tiêu biểu,…; cho các em thấy được nếu nỗ lực cố gắng sẽ đạt giải cao trong các kì thi là niềm vinh dự tự hào không chỉ cho mình mà còn cho cả bố mẹ, thầy cô, bạn bè trường, lớp,…; ngược lại nếu thiếu cố gắng một chút thôi có thể không đem lại kết quả gì.

2 / Lựa chọn đúng đối tượng học sinh

            Giáo viên phải đánh giá học sinh một cách khách quan, chính xác, lựa chọn đúng đối tượng học sinh để bồi dưỡng. Việc lựa chọn đúng không chỉ nâng cao hiệu quả bồi dưỡng mà còn tránh được việc bỏ sót những em có năng khiếu hoặc chọn nhầm những em không có tố chất theo học sẽ bị quá sức.

        * Những căn cứ để lựa chọn:

          + Lựa chọn các đối tượng học sinh thông qua các giờ học:

           Những học sinh sáng dạ thường chú ý nghe giảng, hăng hái phát biểu ý kiến, ý kiến thường đúng và có sáng tạo.

           Cũng cần phân biệt với những em hăng hái nhưng không thông minh thì thường phát biểu trệch hướng dẫn dắt của giáo viên, có khi không đâu vào đâu.

           Ngược lại có những em tuy ít phát biểu nhưng khi gọi tên và yêu cầu trình bày thì những em này thường trả lời chính xác hoặc có những ý hay, thể hiện sự sáng tạo.

           + Lựa chọn dựa vào chữa bài:

           Những em thông minh, chắc chắn thường có ý thức học tập tốt, làm bài đầy đủ, trình bày bài thường chặt chẽ, khoa học và thường có ý thức xung phong chữa bài tập cũ hoặc có ý kiến hay, góp phần cho bài tập phong phú hơn.

           + Lựa chọn thông qua các vòng thi kiểm tra:

            Để việc thi, kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng học sinh thực hiện đúng quy chế thi cử như: giám sát chặt chẽ, quán triệt học sinh không được nhìn bài của bạn, đồng thời cũng không để cho bạn nhìn bài của mình, không trợ giúp cho bạn khi làm bài thi.Trên cơ sở đó, giáo viên đánh giá được những em nào có năng lực thực sự trong học tập.

            Để đánh giá một cách chính xác và nắm được mức độ tiếp thu cũng như sự tiến bộ của học sinh thì cần tổ chức thi, kiểm tra và sàng lọc qua nhiều vòng.

3 / Xây dựng chương trình bồi dưỡng

            Hiện nay, chương trình bồi dưỡng không có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng tiết, từng buổi học như trong chương trình chính khóa. Hơn nữa, hầu hết sách nâng cao, sách tham khảo hiện nay không soạn thảo theo đúng trình tự như chương trình học chính khóa, mà thường đi theo các dạng. Trong khi đó, các trường thường tổ chức học sinh vừa học chính khóa vừa phối hợp nâng cao. Vì thế soạn thảo chương trình bồi dưỡng là một việc làm hết sức quan trọng và rất khó khăn nếu như chúng ta không có sự tham khảo, tìm tòi và chọn lọc tốt.

            Điều cần thiết là giáo viên cần phải nắm vững nội dung, chương trình học, cần phải soạn thảo nội dung dẫn dắt học sinh từ cái cơ bản của nội dung chương trình học chính khóa, tiến tới chương trình nâng cao (tức là, trước hết phải khắc sâu kiến thức cơ bản của nội dung học chính khóa, từ đó vận dụng để nâng cao dần).

           Cần soạn thảo chương trình theo vòng xoáy: Từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời cũng phải có ôn tập, củng cố.

          Ví dụ: Cứ sau 2 đến 3 tiết củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao thì cần có 1 tiết luyện tập, củng cố và cứ 6 đến 7 tiết thì cần có 1 tiết ôn tập hay luyện tập chung để củng cố khắc sâu.

           Cần soạn thảo 1 tiết học có những nội dung sau:

            -  Kiến thức truyền đạt (lí thuyết, ví dụ, …)

            -  Bài tập vận dụng.

            -  Bài tập về nhà luyện thêm (tương tự như bài ở lớp).

           Tuy nhiên, việc soạn thảo chương trình còn tùy thuộc vào mức độ tiếp thu của từng học sinh (làm sao cho các em có thể nắm được kiến thức).

           Để các em vững vàng kiến thức, mở rộng được nhiều dạng bài tập thì mỗi dạng bài cần phải luyện tập nhiều lần. Đồng thời thỉnh thoảng phải củng cố, tổng hợp lại để khắc sâu.

4 / Dạy như thế nào cho đạt hiệu quả

           Trước hết phải chọn lọc những phương pháp giải dễ hiểu nhất để hướng dẫn học sinh. Cần vận dụng và đổi mới phương pháp dạy học, tạo cho học sinh có cách học mới, không gò bó, không áp đặt, tôn trọng và khích lệ những sáng tạo mà học sinh đưa ra. Những bài kiến thức mới, giáo viên cần lấy ví dụ và ra bài tập mang tính chất vui chơi để gây hứng thú học tập cho học sinh, đồng thời giúp các em ghi nhớ được tốt hơn.

           Hầu hết ở các bài luyện tập, giáo viên chỉ nên gợi mở để học sinh tự tìm ra cách giải, không nên làm thay học sinh. Ngược lại, khi chữa bài, giáo viên cần phải  hướng dẫn một cách chi tiết, tỉ mỉ. Đồng thời uốn nắn những sai sót và chấn chỉnh cách trình bày của học sinh một cách kịp thời. Cần theo dõi và nhận xét bài làm của học sinh hàng ngày thật kĩ để kịp thời phát hiện, uốn nắn những thiếu sót cho các em.

           Một số bài để khắc sâu kiến thức cho các em, giáo viên có thể gợi ý để các em tìm ra nhiều cách làm. Như thế vừa phát huy được tính độc lập sáng tạo của học sinh, vừa gây được hứng thú học tập với các em.

          Cần khuyến khích học sinh lập nhiều nick để thực hành thành thạo hơn.

5 / Hướng dẫn học sinh thực hành giải toán trên mạng

           Để giúp học sinh có kĩ năng thực hành giải toán trên mạng Internet thì trước hết giáo viên cũng cần truy cập mạng và vào giải như học sinh. Từ đó nắm bắt cách thức vào thi, các dạng bài, cũng như những kĩ năng cần thiết để hướng dẫn học sinh. Đồng thời qua đó dự đoán những dạng bài mà học sinh có thể lúng túng ở chỗ nào để có biện pháp khắc phục.

           Những bài chọn giá trị bằng nhau có thể hướng dẫn học sinh dự đoán : Chữ số giống nhau, cùng đơn vị, … Còn đối với bài chọn theo thứ tự tăng dần thì cần hướng dẫn học sinh ngoài việc tính nhanh, tính nhẩm còn cần phải kẻ bảng ra giáy nháp thành ô như trên máy, tính và ghi kết quả trên giấy nháp để lựa chọn chính xác hơn.

           Đối với dạng bài điền số có hai dạng khó. Ví dụ 1:  7 + 1 > .....- 2 > 10 – 4  giáo viên hướng dẫn các em như sau: 7 cộng 1 bằng mấy? (7 cộng 1 bằng 8); 8 lớn hơn mấy? ( 8 lớn hơn 7). Vậy mấy trừ 2 bằng 7 ( 9 trừ 2 bằng 7). Như vậy ta sẽ điền số mấy vào chỗ chấm? (điền số 9 vào chỗ chấm).  8 + 1 > 9.- 2 > 10 – 4

           Ví dụ 2:  8 + 1 - ..... =  2 + 8 – 4  giáo viên hướng dẫn  các em như sau: tính vế bên phải trước 2 + 8 – 4  bằng mấy? (2 + 8 – 4  bằng 6); tiếp theo ta tính vế bên trái 8 cộng 1 bằng mấy ? (8 cộng 1 bằng 9), 9 trừ mấy bằng 6 (9 trừ 3 bằng 6). Như vậy ta sẽ điền số mấy vào chỗ chấm? (điền số 3 vào chỗ chấm).  8 + 1 – 3  =  2 + 8 – 4.

            Đối với dạng bài điền dấu. Ví dụ:   5 + 5 – 2  ...... 4 – 2 + 0 + 5 giáo viên hướng dẫn các em như sau: tính vế bên trái trước 5 + 5 – 2 bằng mấy? (5 + 5 – 2 bằng 8); tính vế bên phải sau 4 – 2 + 0 + 5 bằng mấy? (4 – 2 + 0 + 5 bằng 7). Vậy 8 như thế nào với 7

( 8 lớn hơn 7). Như vậy ta sẽ điền dấu gì vào chỗ chấm? (điền dấu lớn vào chỗ chấm).

5 + 5 – 2  >  4 – 2 + 0 + 5. Đối với bài điền dấu giáo viên cần chú ý (dấu = thì không cần ấn nút shift, nhưng khi điền dấu > thì phải ấn shift rồi mới ấn nút dấu >, dấu < thì phải ấn shift rồi mới ấn nút dấu <).           

            Việc giúp các em vững vàng tâm lý trước và trong khi thi cũng rất quan trọng. Một số em hồi hộp, lo sợ khi vào phòng thi; có em do tâm lý thi 1 bài chưa tốt đã nghĩ là mình hỏng rồi thế là buông xuôi, thậm chí bỏ những bài sau hoặc thoát ra. Vì vậy giáo viên cần giúp các em có tâm lý thoải mái trước khi vào phòng thi, đồng thời dặn dò các em hết sức bình tĩnh, tính toán kĩ càng, thi hết sức mình cho dù điểm có thấp.

III. Hiệu quả và khả năng áp dụng

1.         Hiệu quả

           Qua 3 năm  thực hiện phong trào giải toán trên mạng Internet ở lớp tôi phát triển rất mạnh. Từ lớp, phong trào lan nhanh đến các lớp trong khối, rồi đến toàn trường. Số học sinh đăng ký tham gia giải toán trên mạng ngày một đông và cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trải qua các cấp thi: Từ cấp Trường đến cấp Huyện, các em đều đạt được kết quả cao, không những thế, các em còn giải toán rất nhanh, Cụ thể:

          Năm học 2014 - 2015 : Tôi đã áp dụng kinh nghiệm trên vào việc bồi dưỡng học sinh giải Toán trên mạng Internet (Lớp 1 ) thu được kết quả là :

Số HS

Đạt cấp Trường

Đạt cấp Huyện

Đạt cấp Tỉnh

5

5

5

Không tổ chức

           Năm học 2015 - 2016 : Tôi đã tiếp tục áp dụng kinh nghiệm trên vào việc bồi dưỡng học sinh giải Toán trên mạng Internet (Lớp 1) thu được kết quả là :

Số HS

Đạt cấp Trường

Đạt cấp Huyện

Đạt cấp Tỉnh

15

14

Không tổ chức

Không tổ chức

           Năm học 2016 - 2017 : Tôi đã tiếp tục áp dụng kinh nghiệm trên vào việc bồi dưỡng học sinh giải Toán trên mạng Internet (Lớp 1) thu được kết quả là :

Số HS

Đạt cấp Trường

Đạt cấp Huyện

Đạt cấp Tỉnh

15

15

Không tổ chức

Không tổ chức

          Từ kết quả trên cho thấy, trong dạy học nếu nhà trường tổ chức cho học sinh học tập kết hợp tham gia các phong trào thì kết quả học tập sẽ không ngừng được nâng cao. Phong trào giải toán trên mạng không chỉ hỗ trợ cho chất lượng môn Toán mà nó còn góp phần nâng cao chất lượng học sinh có năng khiếu của nhà trường. Từ phong trào giải toán, học sinh tích lũy kinh nghiệm kết hợp với kiến thức của bản thân để làm nền tảng cho các lớp trên.

2. Khả năng áp dụng

           Các biện pháp này đã được triển khai và tổ chức thực hiện khá hiệu quả ở trường Tiểu học Tân Dương 1, đây là tiền đề tôi sẽ tiếp tục đưa vào áp dụng cho những năm học tiếp theo.

Sau ba năm học tổ chức cho học sinh lớp 1 tham gia thi giải toán qua mạng internet, tôi nhận thấy đây là một công việc bổ ích.  Là người giáo viên được phân công giảng dạy khối lớp 1. Tôi nhận thấy việc tích lũy kiến thức cho các em là cần thiết, nó tạo tiền đề cho sự phát triển trí thức của các em tạo một "cái móng" chắc chắn, đồng  thời sẽ tạo bàn đạp và đà để tiếp tục học lên lớp trên và hỗ trợ các môn học khác.

Khi làm một việc có kết quả như mình mong muốn đòi hỏi phải có sự kiên trì và thời gian không phải một tuần, hai tuần là học sinh sẽ có khả năng giải toán tốt, mà đòi hỏi phải tập luyện trong một thời gian dài trong suốt cả quá trình học tập của các em. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, đưa ra phương pháp, còn học sinh sẽ là người đóng vai trò hoạt động tích cực tìm ra tri thức và lĩnh hội nó và biến nó là vốn tri thức của bản thân.

 Cuộc thi không dừng lại ở các giải thưởng mà các em mang lại. Mà hơn thế nữa, Violimpic đã thật sự trở lại thành sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em trong giai đoạn hiện nay. Nó giúp các em vừa học tập, vừa giải trí lành mạnh. Học mà chơi, chơi mà học.

Post a Comment

Previous Post Next Post