Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập

 


Tên sáng kiến kinh nghiệm: Giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

B. NỘI DUNG:

I. Thực trạng và nguyên nhân

1. Thực trạng

Theo công ước về Quyền trẻ em thì việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và cá nhân. Thế nhưng trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau có rất nhiều em không được sống chung với cha mẹ, không có điều kiện học tập. Có trường hợp các em phải bỏ học giữa chừng để theo gia đình đi làm ăn. Trường Tiểu học Mỹ Hòa 2 tôi đang giảng dạy thuộc xã vùng sâu nên hàng năm số lượng học sinh diện hộ nghèo, diện hoàn cảnh kinh tế khó khăn chiếm tỉ lệ khá cao.

Từ thực tế đó, với trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm bản thân tôi rất quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp của mình, đặc biệt là giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

2. Nguyên nhân

- Do kinh tế gia đình các em gặp nhiều khó khăn, phải đi làm thuê mướn nên ít quan tâm đến việc học hành của con em mình.

- Vì cuộc sống mưu sinh, phải đi làm thuê mướn xa nên một số gia đình gửi con cho ông bà hoặc người thân

II. Biện Pháp thực hiện

Như đã trình bày, Tôi luôn trăn trở trước những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên đã suy nghĩ tìm cách nào để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn và vươn lên trong học tập. Là giáo viên chủ nhiệm tôi luôn theo dõi chặt chẽ hoàn cảnh, điều kiện sống, tác phong, hành vi đạo đức của học sinh trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Tìm hiểu sâu sát nguyên nhân thực tế hoàn cảnh của học sinh để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp.

Để làm tốt công tác giúp đỡ học sinh nghèo vươn lên trong học tập, tôi trực tiếp điều tra qua những thông tin trong lý lịch, tìm hiểu sâu sát thực tế qua bạn bè trong lớp, thông tin từ chính quyền địa phương, có nhiều trường hợp phải đi xuống tận nhà các em. Bên cạnh, tôi còn tuyên truyền vận động cha mẹ học sinh của lớp giúp đỡ các em.

Quá trình thực hiện từng bước như sau:

- Điều tra thống kê ngay từ đầu năm học và thực hiện cùng với các hoạt động dạy và học, nắm chắc chắn số lượng đối tượng, hoàn cảnh gia đình, địa chỉ, các thông tin cần thiết khác như học lực, hạnh kiểm.

- Lập danh sách tất cả học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, học sinh có nguy cơ bỏ học, các đối tượng chính sách, lập thành sổ theo dõi, phân loại đối tượng, chủ yếu là hoàn cảnh và học lực.

- Trên cơ sở đó tôi phân loại theo học lực, theo diện nghèo hoặc khó khăn từ đó xây dựng kế hoạch giúp đỡ các em trong năm học. Tiếp theo là kế hoạch vận động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường.

- Trong nhiều năm qua, tôi đã vận động trong học sinh gây quỹ giúp bạn nghèo như: Phát động phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo trong lớp vượt khó đến trường” bằng nhiều hình thức như tặng quần áo, tập vở, đồ dùng học tập, … và kết quả đạt dược cụ thể như sau:

- Các em trong lớp đã tham gia và đóng góp rất nhiệt tình. Từ số tiền các em quyên góp tôi đã trích tặng vài suất học bổng (mỗi suất 300.000 đồng) tặng cho những em có hoàn cảnh khó khăn của lớp. Phần còn lại mua sách vở và đồ dùng học tập hỗ trợ những em khó khăn khác còn lại.

- Ngoài ra, tôi còn thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục. Phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và các nguồn tài trợ khác hổ trợ giúp học sinh khó khăn. Hàng năm xã hội hóa từ Ban đại diện Cha mẹ học sinh của lớp cũng như các mạnh thường quân hỗ trợ mỗi năm được vài suất bảo hiểm y tế (xét cho các đối tượng khó khăn và mồ côi của lớp) và vài trăm quyển tập khen thưởng.

Muốn thực hiện tốt công tác chăm sóc giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt hiệu quả cao cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

- Tham mưu tốt với lảnh đạo nhà trường, tuyên truyền vận động trong Hội đồng sư phạm, Ban đại diện Cha mẹ học sinh và lực lượng học sinh toàn trong lớp để được hỗ trợ.

- Bản thân giáo viên phải có lòng nhân ái, biết thông cảm và chia sẻ với các em, có tinh thần trách nhiệm, kiên nhẫn tổ chức vận động bằng nhiều hình thức và phải liên tục mới duy trì được nhiều năm.

- Vận động rộng rãi các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm bằng nhiều hình thức như suất học bổng, tập, sách, …

- Điều tra, thống kê và xét chọn đối tượng công bằng, phù hợp với thực tế hoàn cảnh cụ thể của từng học sinh.

- Kết hợp chặc chẽ với các ban ngành đoàn thể ở địa phương trong công tác vận động hỗ trợ cần thiết.

- Chuẩn bị tốt danh sách các đối tượng, có phân loại học lực, hạnh kiểm, hoàn cảnh gia đình thật cụ thể, chính xác và hồ sơ cần thiết như chứng nhận hộ nghèo, khó khăn (có xác nhận của địa phương) …  Đảm bảo kịp thời khi có nguồn tài trợ, nhất là các trường hợp báo cáo gấp trong ngày.

III. Hiệu quả và khả năng áp dụng

1. Hiệu quả

Trong năm học qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên được phụ huynh cũng như các mạnh thường quân hỗ trợ rất nhiệt tình và đạt được kết quả như sau:

- Trong những năm qua, lớp tôi chủ nhiệm không còn tình trạng học sinh có nguy cơ bỏ học. Sĩ số lớp luôn được duy trì hàng năm là 100%.

- Chất lượng của lớp luôn đảm bảo và ở mức cao

- Tất cả học sinh của lớp đều có đầy đủ sách vở và đồ dùng học tập khi đến lớp.

- Những học sinh không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế đều được cấp cho bảo hiểm y tế từ nguồn vận động.

2. Khả năng áp dụng

Trên đây là một số giải pháp mà tôi đã thực hiện nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong học tập rất có hiệu quả. Các giải pháp trên có thể vận dụng rộng rãi cho tất cả giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp.

Các giải pháp tuy đơn giản nhưng muốn đạt được hiệu quả cao thì đòi hỏi người giáo viên phải có lòng nhân ái, phải thật sự đồng cảm và chia sẻ với các em có hoàn cảnh khó khăn. Phải có tinh thần trách nhiệm của một người thầy. Phải biết tham mưu, phối hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu cũng như Ban đại diện Cha mẹ học sinh và các lực lương hỗ trợ khác.

Post a Comment

Previous Post Next Post