RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU CHO HOC SINH LỚP 4/3 QUA PHÂN MÔN TẬP ĐỌC - TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN LONG

 



RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU CHO HOC SINH

LỚP 4/3 QUA PHÂN MÔN TẬP ĐỌC -

 TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN LONG

I.  LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

          Môn Tiếng Việt ở trường Tiểu học có nhiệm vụ hình thành năng lực hoạt động ngôn ngữ cho học sinh. Năng lực hoạt động ngôn ngữ đó được thể hiện qua bốn kĩ năng: Nghe - nói - đọc - viết. Tập đọc là một phân môn của chương trình tiếng Việt bậc Tiểu học. Đây là phân môn có vị trí đặc biệt quan trọng, vì nó đảm nhiệm cho việc hình thành và phát triển kĩ năng “đọc” nói chung và kĩ năng “đọc hiểu” nói riêng. Đọc là kĩ năng đòi hỏi đầu tiên cần phải có đối với mọi người học. Có đọc, người học mới có thể lĩnh hội được các thông tin kiến thức cần truyền tải trong nội dung văn bản, cần thiết hơn là đọc hiểu. Đọc hiểu giúp các em học được cách nói, cách viết một cách chính xác, trong sáng, có nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện kĩ năng đọc mà còn phát triển cho học sinh vốn từ ngữ Tiếng Việt phong phú. Bên cạnh đó, đọc hiểu còn giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ. Qua đó, các em được phát triển tư duy, có khả năng nhận thức được đích thông báo của tác giả, của người viết văn bản.

     Trong  giai đoạn đầu bậc Tiểu học (lớp 1, 2, 3), học sinh đã cơ bản hình thành kĩ năng đọc hiểu dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên qua môn Tập đọc. Đến lớp 4, các em bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn tiếp nhận nhiều mạch kiến thức và truyền tải phần lớn thể hiện thông qua văn bản viết. Ở giai đoạn này, nếu các em không được rèn luyện kĩ năng đọc hiểu hợp lí sẽ gây khó khăn trong việc nắm bắt nội dung, có thể hiểu sai hoặc không hiểu được đầy đủ văn bản, hay nói đúng hơn là các em không hiểu được những điều tác giả muốn thể hiện. Vì vậy, giáo viên phải có biện pháp và cách tổ chức để rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh thông qua môn Tập đọc. Thực tế, vấn đề hình thành và rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh lớp 4 còn có những thuận lợi và khó khăn gì, và làm thế nào để rèn kĩ năng đọc hiểu đạt hiệu quả?

Với các lí do trên tôi thiết nghĩ đây là vấn đề rất thiết thực đối với việc giảng dạy ở trường tiểu học, tôi mạnh dạn trình bày một vài quan điểm của mình về việc “Rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh lớp 4/3 qua phân môn Tập đọc - Trường Tiểu học Tân Long, TP Sa Đéc, Đồng Tháp

II.     THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ TÀI

1.  Thuận lợi

Chất lượng SGK Tiếng việt được đánh giá cao nhờ tuyển chọn nhiều bài tập đọc hay, có giá trị đạo đức cao, Những bài trong SGK có một bước tiến so với trước, chất lượng SGK được nâng cao, Các văn bản đề cập đến cuộc sống con người và xếp theo các chủ điểm hợp tâm lý lứa tuổi. Nhiều bài văn, bài thơ được biên soạn lại từ các tác phẩm văn học có giá trị ở các thời đại thuộc văn học trong nước và nước ngoài dễ gây xúc cảm mạnh và để lại ấn tượng với các em.

Những chú giải và hệ thống câu hỏi, bài tập của bài Tập đọc đã trở thành những chỉ dẫn gợi ý rất quan trọng để GV và HS tìm hiểu bài.

Cùng với sự phát triển của xã hội, trẻ em có một trí tuệ phát triển rất tốt, nhất là các em ở thành phố, thị xã rất nhanh nhạy, dễ nắm bắt cái hay, cái mới và nhớ lâu những gì cảm thấy hứng thú. Có rất nhiều HS thích học thuộc lòng các câu, đoạn bài tập đọc hay, diễn cảm rất tốt nhiều em đã hiểu cảm nhận ý nghĩa bài tập đọc và thể hiện cảm xúc của mình qua những bài viết khá sâu sắc và xúc động.

Đa số HS ở Trường TH Tân Long, Phường 3 –TP Sa Đéc là con của công nhân, có điều kiện cho học tập, các em có nhận thức, hứng thú trong học tập, nhiều em bộc lộ khả năng cảm thụ văn học nghệ thuật tốt, phát âm rõ ràng, lành mạch.

Cùng với sự chỉ đạo quan tâm của Phòng Giáo dục Thành phố Sa Đéc cũng như BGH của trường TH Tân Long  tận tình quan tâm chỉ đạo một cách cụ thể, rõ ràng đến chất lượng cũng như việc học tập của các em. Cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập nói chung và học tập đọc nói riêng đầy đủ. Đó là một số thuận lợi đáng kể giúp cho GV cũng như HS đạt được chất lượng học tập.

2.  Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi đã nêu, việc học tập môn Tiếng việt còn nhiều khó khăn:

Do đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, HS tiểu học còn nhỏ, sự tự giác học tập chưa cao, độ tập trung chú ý ở giai đoạn thấp, trình độ đọc còn yếu, chưa rành mạch, còn ấp úng, phần nhiều chỉ là sự phát âm đúng, các em có thói quen đọc theo ý thức: đọc ê – a kéo dài, liến thoắng vội vã, hấp tấp, chưa đọc đúng theo ngữ câu, chưa biết nhấn mạnh vào những từ cần nhấn, thể hiện giọng đọc phù hợp với văn bản chưa tốt.

Khi trả lời các em còn phụ thuộc vào SGK (đọc cả câu, đoạn) chứ không lọc ra ý để trả lời, chưa biết diễn đạt thành câu văn.

Các em tiếp thu bài không đầy đủ, chưa cảm nhận cái hay, cái đẹp của tác phẩm, chưa vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

3.  Số liệu thống kê

    Nhằm tìm hiểu thực tế dạy học đọc hiểu của GV Tiểu học và để biết được khả năng đọc hiểu của học sinh lớp 4. Từ đó, xác định được nguyên nhân thực trạng đọc hiểu của HS lớp 4 và lựa chọn biện pháp thích hợp rèn kĩ năng đọc hiểu qua giờ Tập đọc cho HS Tiểu học nói chung và HS lớp 4 nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

     Tôi đã dạy 2 tiết tập đọc ở lớp 4/3 Trường Tiểu học Tân Long (do tôi chủ nhiệm) bài:  “Dù sao trái đất vẫn quay!” và  bài “Trăng ơi …. Từ đâu đến?” sau đó tôi đã khảo sát (phiếu bài tập). Qua quá trình khảo sát, rút ra một số nhận xét như sau: Tôi đã vận dụng nhiều phương pháp dạy học, hình thức tổ chức cùng với các kĩ thuật và sử dụng đồ dùng dạy học minh họa cũng như đa dạng hóa hệ thống câu hỏi bài tập đọc bằng nhiều hình thức để HS hiểu nội dung bài (ví dụ: trắc nghiệm, trò chơi,…) làm cho tiết học sinh động, HS hứng thú học tập, hiểu nội dung bài và cảm thụ được những điều mà tác giả gửi gắm vào bài, thông qua phiếu khảo sát (phiếu bài tập):

 

 

    Điểm

Lớp

Số HS

9 – 10

7 – 8

5 – 6

< 5

SL

TL

SL

TL

SL

TL

SL

TL

4/3

25

11

44%

12

48%

2

8%

0

0

III.           NỘI DUNG ĐỀ TÀI

1.  Cơ sở lý luận

Để tổ chức dạy học cho HS chúng ta cần phải hiểu:

Đọc được xem là một hoạt động có hai mặt quan hệ mật thiết với nhau. Thứ nhất, vận động bằng mắt, sử dụng bộ mã chữ âm phát ra một cách trung thành những dòng văn tự ghi lại lời nói âm thanh (đọc thành tiếng). Thứ hai, vận động tư tưởng, tình cảm, sử dụng bộ mã chữ  - nghĩa để nhớ và hiểu được nội dung những gì được đọc (gọi là đọc hiểu).

Đọc thành tiếng là phải đọc đúng và đọc nhanh (lưu loát, trôi chảy) đó là hai kĩ năng của đọc thành tiếng. Đọc hiểu là phải nhận diện  ngôn ngữ của văn bản và làm rõ nghĩa của chuỗi tín hiệu ngôn ngữ và hồi đáp lại ý kiến của viết nêu trong văn bản.

2.  Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài

Khi giao tiếp với HS là GV phải có phẩm chất đặc biệt: khích lệ, nâng đỡ, thông cảm và luôn nhấn mạnh vào thành công của trẻ. Có khả năng làm việc kiên trì, tỉ mỉ, có khả năng biết cách tổ chức quá trình dạy học áp dụng các kĩ thuật vào bài học kết hợp với vui chơi. Hình dung thấy được nhũng khó khăn của các em khi đọc để kịp thời giúp các em.

GV luyện tập để có ngôn ngữ chuẩn, trong sáng, dễ hiểu, truyền cảm. Đọc đúng với giọng cần thiết, đúng ý nghĩa văn bản để HS noi theo.

2.1 Văn xuôi:

Khi dạy đọc văn xuôi, do đặc điểm của văn bản văn xuôi dài hơn các thể loại khác, tuy nhiên do độ dài nên trong văn xuôi lúc nào cũng phân đoạn trong mỗi bài nhằm giúp người đọc dễ tiếp thu. Do đó, khi rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh với thể loại văn xuôi, cần giúp học sinh rèn các kĩ năng trên thông qua các hoạt động chủ yếu:

   - Hướng dẫn học sinh đọc nhẩm, đọc thầm, đọc lướt khi giáo viên yêu cầu đọc để phân chia đoạn trong bài (sau khi giáo viên giới thiệu bài xong) và khi đọc tìm thông tin trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài.

   - Hướng dẫn học sinh nhận biết một số từ khó trong bài và nhận biết nghĩa của các từ này thông qua bước giải nghĩa từ. Ví dụ: bài Tập đọc Dù sao trái đất vẫn quay! (TV4, tập 2), trong khi hoạt động cho học sinh luyện đọc nối tiếp đoạn, giáo viên yêu cầu học sinh giải nghĩa một số từ mới (trong phần chú giải): “thiên văn học, tà thuyết, chân lí” và vài từ khó ngoài phần chú giải.

     - Hướng dẫn học sinh nhận biết ý của đoạn. Hoạt động này được thực hiện thông việc hướng dẫn học sinh rút ra ý chính của đoạn. Ví dụ: Trong quá trình tìm hiểu bài của bài Tập đọc Dù sao trái đất vẫn quay!, sau khi học sinh trả lời câu hỏi 1 hướng dẫn học sinh rút ra ý chính của đoạn 1, lần lượt câu hỏi 2 rút ý chính đoạn 2, câu 3 rút ý chính đoạn 3.

     - Hướng dẫn học sinh thực hiện kĩ năng hồi đáp văn bản:

       Ví dụ: Qua bài Tập đọc nói trên, sau khi HS trả lời 3 câu hỏi và rút ra ý chính của cả 3 đoạn, yêu cầu HS dựa vào những điều đã tìm hiểu nêu lên nội dung chính của bài “Bài văn ca ngợi những nhà khoa học chân chính đã dũng cảm, kiên trì bảo vệ chân lí khoa học”. Liên hệ với kinh nghiệm sống của các em “Các nhà khoa học đã dũng cảm, kiên trì bảo vệ chân lí khoa học chân chính. Đối với các em - là học sinh, nếu các em đưa ra một nhận định hay một ý kiến đúng về những điều đã được học mà bị người khác phản đối, bác bỏ. Em sẽ làm gì để bảo vệ điều em nói?”.

   Hướng dẫn học sinh khái quát lên nội dung chính của bài dựa trên ý chính của các đoạn đã tìm hiểu, liên hệ với kinh nghiệm sống của bản thân.

2.2. Thơ:

Thơ là tiếng nói của tình cảm, là sự phản ánh con người và thời đại một cách cao đẹp, thơ rất giàu chất trữ tình, ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, tràn đầy cảm xúc, thơ có âm vần, nhịp điệu. Vì vậy, khi dạy đọc hiểu thơ cần thể hiện tình cảm của tác giả gửi gắm trong từng từ, từng dòng thơ, nhịp thơ, vần thơ và sự truyền cảm xúc của người nghe. Rèn kĩ năng đọc hiểu thơ cho học sinh cần giúp học sinh rèn các kĩ năng sau:

     - Đọc nhẩm, đọc thầm, đọc lướt  khi giáo viên yêu cầu đọc để phân chia các khổ thơ trong bài (sau khi giáo viên giới thiệu bài xong) và khi đọc tìm thông tin trả lời các câu hỏi tìm hiểu bài.

     - Nhận biết cách ngắt nhịp, tạo nên nét nghĩa của câu thơ, dòng thơ (bước hướng dẫn học sinh nhận biết cách ngắt nhịp, nhấn giọng từ ngữ gợi tả, gợi cảm). Ví dụ: Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (TV4, tập 2) giáo viên hướng dẫn học sinh ngắt, nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, đọc với giọng âu yếm, nhẹ nhàng, đầy tình thương yêu. Có đọc đúng các em sẽ hiểu được nghĩa của câu thơ và hiểu được tình cảm của tác giả đối với nhân vật và tình cảm của nhân vật này đối với nhân vật khác trong bài.

Mẹ giã gạo / mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng / giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

      - Nhận biết một số từ ngữ mới trong bài (bước hướng dẫn học sinh tìm và giải nghĩa từ khó). Ví dụ: Qua bài thơ trên, yêu cầu học sinh giải nghĩa các từ khó (trong phần chú giải): “lưng đưa nôi, tim hát thành lời, a-kay” và các từ khó ngoài phần chú giải trong quá trình luyện đọc nối tiếp các khổ thơ của học sinh.

          - Hồi đáp văn bản (bước hướng dẫn học sinh rút ra nội dung bài thơ và liên hệ cá nhân). Ví dụ: Cũng qua bài thơ trên, dựa trên những kiến thức mà học sinh chiếm lĩnh được trong phần tìm hiểu bài, giáo viên hướng dẫn học sinh rút ra nội dung chính của bài “Bài thơ ca ngợi tình yêu nước, yêu con của người mẹ miền núi cần cù lao động, góp sức mình vào công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. GV nêu câu hỏi HS tự liên hệ cá nhân trả lời: “Trong thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tất cả mọi người đều phải tham gia cứu nước, xây dựng xã hội. Vậy trong thời bình, các em làm gì để giúp cho xã hội?”.

       Văn xuôi và thơ đa số là hình thức văn bản thuộc phong cách nghệ thuật. Do vậy, khi dạy đọc hiểu cho học sinh, ngoài những quy trình chung nêu trên cần phải chú ý đến đặc điểm của văn bản nghệ thuật. Phải nắm được đặc trưng của ngôn ngữ văn chương, đặc trưng phản ánh nghệ thuật của văn chương để giúp học sinh tiếp nhận được vẻ đẹp của ngôn từ, vẻ đẹp của cách nói văn chương, hướng dẫn học sinh phát hiện được những tín hiệu nghệ thuật và đánh giá được giá trị của chúng trong việc biểu đạt nội dung. Những tín hiệu nghệ thuật này chính là cách biểu hiện của văn chương bằng những lớp từ gợi tả, gợi cảm, những cách biểu đạt đa nghĩa, những biện pháp tu từ, những tứ thơ, những hình ảnh đẹp,…. Với nghĩa đó, dạy đọc hiểu văn bản nghệ thuật là dạy tiếp nhận văn học hay còn gọi là dạy cảm thụ văn học.

2.3. Các văn bản khác:

     Các văn bản khác trong chương trình Tập đọc lớp 4 chủ yếu là các văn bản khoa học, báo chí, bản tin. Đây là các loại văn bản xác thực, ứng dụng trong cuộc sống, giúp các em làm quen với thực tiễn cuộc sống sinh động, tích luỹ kiến thức toàn diện. Văn bản khác trong chương trình lớp 4 nhằm giúp hình thành ở học sinh khả năng tiếp nhận thông tin, biết cách tóm tắt và sàn lọc thông tin cần thiết trong cuộc sống. Vì vậy, khi dạy đọc hiểu các văn bản khác cần hướng dẫn học sinh chú ý khung sườn chung của văn bản. Cụ thể rèn cho học sinh các kĩ năng bộ phận sau:

       - Kĩ năng đọc thầm, đọc lướt, khái quát, phán đoán qua sự hướng dẫn học sinh phát hiện ra khung sườn để đọc. Ví dụ: Qua bản tin Vẽ về cuộc sống an toàn (TV4, tập 2) giáo viên hướng dẫn học sinh khung sườn để đọc: đọc tên bài - nội dung tóm tắt - bản tin. Từ đó, các em khái quát được thế nào là bản tin, nội dung tóm tắt của một bản tin và cách đọc một bản tin.

       - Kĩ năng nhận biết một số từ mới trong bài thông qua quá trình luyện đọc nối

tiếp từng đoạn của bài. Ví dụ: Qua bản tin trên, trong khi luyện đọc nối tiếp đoạn, giáo viên yêu cầu học sinh giải thích các từ khó trong bài (UNICEF, thẩm mĩ, nhận thức, khích lệ, ý tưởng, ngôn ngữ hội hoạ).

       - Kĩ năng hồi đáp văn bản (qua bước hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi và thực hành). Ví dụ: Qua bản tin trên, vận dụng kiến thức đã tìm hiểu, học sinh phát biểu được nội dung chính của bài “Bài đọc nói về sự hưởng ứng của thiếu nhi cả nước với cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề Em muốn sống an toàn”.

    Trong quá trình giảng dạy, có nhiều phương pháp, nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, không áp đặt, không cứng nhắc.

       Kĩ năng đọc hiểu là một kĩ năng phức tạp, đòi hỏi một quá trình lâu dài. Trong những năm đầu bậc tiểu học và ngày càng nâng cao. Học sinh cần phải chiếm lĩnh văn bản cả về nội dung và nghệ thuật. Vì thế, cần hình thành cho học sinh các bước tìm hiểu văn bản.

          - Hiểu các từ, các cụm từ.

          - Hiểu các câu.

          - Hiểu các đoạn, những tập hợp câu dùng để phát biểu một ý kiến trọn vẹn.

          - Hiểu được cả bài thơ hay bài văn.

    Trong tiết Tập đọc, để giúp các em hiểu sâu vấn đề tạo nên hứng thú trong giờ học, giáo viên nên cho học sinh tự phát hiện kiến thức hoặc tự kiểm tra bạn, hoặc kiểm tra chính mình. Tổ chức cho các em kiểm tra lẫn nhau theo nhóm nhỏ (nhóm 2) quay vào nhau để bàn bạc, thảo luận về việc đọc bài và trả lời câu hỏi có trong bài. 

    Để hiểu sâu bài văn, bài thơ thì học sinh phải thực sự là người chủ động tìm tòi ra cái hay, cái đẹp của bài văn, bài thơ đó.

      Phát hiện ý của bài: bao gồm phát hiện tình cảm chứa đựng trong bài thực hiện  việc phản ánh đời sống qua đoạn văn, khổ thơ, bài văn, bài thơ.

      Phát hiện nghệ thuật: bao gồm nghệ thuật dùng từ, nghệ thuật viết câu.

       - Nghệ thuật dùng từ: Từ láy, từ gợi tả, gợi cảm, từ chỉ mùi vị màu sắc, từ chỉ hình ảnh ... có trong bài.

     - Nghệ thuật viết câu: Câu văn dài, ngắn diễn tả điều gì? Gợi cảm điều gì? Các biện pháp tu từ, nhân hoá hay so sánh?

       Học sinh phát hiện thấy nghệ thuật miêu tả: Kể chuyện, tường thuật, tả cảnh...

      Qua việc phát hiện về ý và phát hiện nghệ thuật, học sinh sẽ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài văn, bài thơ.

        Khi dạy đọc hiểu cho học sinh vẫn tiếp tục nhiệm vụ luyện đọc kết hợp với nhiệm vụ giúp học sinh nhớ, hiểu được nội dung bài. Nhớ được nội dung bài là sự khởi đầu của việc hiểu bài. Quá trình hiểu một bài gồm nhiều bước, với nhiều thao tác tư duy.

    Việc nhớ và hiểu nội dung bài được kết hợp chặt chẽ với việc luyện đọc nhiều lần văn bản. Vì thế việc đọc lưu loát cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng, nó giúp cho các em đọc hiểu về nội dung một câu, một đoạn trong bài. Cần yêu cầu các em đọc nhiều lần đoạn, câu văn đó (đọc thành tiếng, đọc thầm) sao cho thông thạo. Chỉ khi học sinh được giải phóng khỏi việc giải mã văn tự để chuyển thành âm thanh ngôn ngữ, tư duy của các em mới có điều kiện kiểm soát nội dung của câu, của đoạn.

     Sau bước tìm hiểu nội dung bài thì yêu cầu một vài học sinh đọc lại bài với yêu cầu cao hơn: đọc hay, đọc diễn cảm. Từ việc đọc diễn cảm bài văn, bài thơ giúp cho các em hiểu bài sâu hơn. Với các bài tập đọc là thơ thường có yêu cầu học sinh học thuộc lòng. Giáo viên hướng dẫn học sinh học thuộc lòng ngay tại lớp.

   Trong tiết Tập đọc để phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, khâu chuẩn bị bài, thiết kế bài dạy rất quan trọng, dựa trên cơ sở của các phương pháp truyền thống, định hướng đổi mới các hoạt động, hình thức dạy - học cũng như quy trình dạy như sau:

* Phần kiểm tra bài cũ:

* Phần bài mới:

- Giới thiệu bài

- Luyện đọc:

- Tìm hiểu bài:

          * Phần củng cố, dặn dò:

IV.      KẾT QUẢ

Qua tiết dạy thử nghiệm nhằm rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh qua môn Tập đọc, tôi cho rằng: Trong quá trình dạy, tôi đã truyền thụ đúng và đủ các kiến thức, vận dụng phương pháp và hình thức dạy học phù hợp, các bước trong hoạt động giải nghĩa từ và tìm hiểu bài giúp học sinh trả lời được các câu hỏi trong phần tìm hiểu bài, các em nắm kiến thức nội dung bài học và nội dung liên hệ cá nhân trong thực tiễn, rèn được kĩ năng đọc hiểu cho học sinh.

V.   BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Kiến thức trong cuộc sống là một kho tàng bao la, rộng lớn, muốn tiếp thu phải có sự chọn lọc, tức là phải biết cách đọc để học, đọc hiểu. Có đọc hiểu, kiến thức mới dễ khắc sâu, ghi nhớ, và khi đã hiểu, đã nhớ sẽ không bị bào mòn, mất đi qua thời gian. Kĩ năng đọc hiểu là rất cần thiết và phức tạp, được rèn luyện và hình thành xuyên suốt trong cả quá trình học tập, đòi hỏi phải có sự luyện tập lâu dài nhất là trong những năm đầu bậc Tiểu học. Đối với học sinh lớp 4, rèn và hình thành kĩ năng đọc hiểu được trải dài xuyên suốt trong giờ Tập đọc cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của giáo viên qua quá trình tìm hiểu nghĩa của từ, tìm hiểu bài giúp trí tuệ các em ngày càng được nâng cao, bồi dưỡng cho các em tình yêu, niềm tin trong cuộc sống. Bên cạnh sự tổ chức, hướng dẫn, giáo viên cần hình thành ý thức chủ động ở học sinh, giúp học sinh nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của kĩ năng đọc hiểu để các em tích cực, tự rèn luyện. Kĩ năng nếu được rèn luyện càng nhiều, thường xuyên càng thành thạo và phát triển cao hơn thành kĩ xảo, tự động hoá. Lúc ấy, khi tiếp xúc văn bản, năng lực đọc được nâng lên, khả năng hiểu ngày càng vượt bậc, các em ngày càng nhạy bén và linh hoạt trước những tri thức mới. Đọc thông - hiểu thạo giúp các em trau dồi vốn ngôn ngữ, vốn sống, và tạo niềm say mê, ham thích đọc sách.

VI.      KẾT LUẬN

Qua quá trình dạy cùng với các biện pháp và kết quả thu được, để “Rèn kĩ năng đọc hiểu cho HS lớp 4/3 qua phân môn Tập đọc” có hiệu quả, người dạy cần chú ý:

- Giáo viên phải thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghể, trau dồi và nắm chắc nội dung, phương pháp dạy học, đồng thời nắm chắc kiến thức, kĩ năng đọc cần trang bị cho HS. Đặc biệt là kĩ năng đọc hiểu cho HS

- Thông qua các trò chơi hoặc hệ thống các dạng bài tập rèn kĩ năng đọc đúng - đọc hiểu cho HS vì đọc đúng mới hiểu đúng.

- Nghiên cứu kĩ bài, xác định trọng tâm nội dung để xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với từng đối tượng HS.

- Chú ý đổi mới phương pháp dạy học, tùy vào đặc trưng riêng của từng bài mà lựa chọn hình thức dạy học phù hợp nhằm lôi cuốn HS yêu thích môn học.

- Với đề tài này nếu được áp dụng rộng rãi sẽ gây được hứng thú học tập đọc của các em cũng như trong quá trình đọc các em sẽ hiểu được nội dung bài, cảm thụ sâu sắc và ghi nhớ lâu hơn.

Post a Comment

Previous Post Next Post