TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG KỂ CHUYỆN CHO HỌC SINH LỚP 1/1, TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN DƯƠNG 1

 



Tên SKKN: TĂNG CƯỜNG BIỆN PHÁP RÈN KĨ NĂNG KỂ CHUYỆN

CHO HỌC SINH LỚP 1/1, TRƯỜNG TIỂU HỌC TÂN DƯƠNG 1


Nội dung sáng kiến kinh nghiệm

I. Thực trạng và nguyên nhân

     1. Thực trạng

Qua thực tế giảng dạy nhiều năm liền, tôi thấy chất lượng học phân môn kể chuyện của học sinh chưa cao. Một số em kể lại được một đoạn câu chuyện nhưng còn ngập ngừng, chưa có ngữ điệu, các em nắm được nội dung câu chuyện nhưng chưa tự kể lại một đoạn câu chuyện theo yêu cầu. Một số em kể được nhưng chưa mạnh dạn, diễn đạt chưa rõ ý; có em không nắm được câu chuyện do không quan tâm, không chú ý. Tiết kể chuyện đôi khi diễn ra đơn điệu, chưa thu hút học sinh, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo ở các em.

Tiết kể chuyện được xem là một tiết dạy khó vì vậy khi tổ chức hoạt động dạy học, bản thân còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học dẫn tới giờ kể chuyện chưa đạt hiệu quả cao.

Bảng thống kê ở cuối Học kì I năm học 2016 – 2017

TSHS

Kể được 2 - 3 đoạn
câu chuyện

Kể được một đoạn
câu chuyện

Chưa kể được một đoạn câu chuyện

28

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

5

17,9 %

16

57,1 %

7

25 %

Như vậy, số lượng học sinh nhớ, kể được từ 2 – 3 đoạn câu chuyện chỉ có 5 học sinh (chiếm 17,9 %), học sinh kể được một đoạn câu chuyện là 16 học sinh (chiếm 57,1 %), số lượng học sinh chưa kể được là 7 học sinh (chiếm đến 25 %). Để khắc phục thực trạng này, tôi đã mạnh dạn nghiên cứu sáng kiến: “Tăng cường biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 1/1, Trường Tiểu học Tân Dương 1” nhằm nâng cao chất lượng dạy học phân môn kể chuyện.

 2. Nguyên nhân

a. Về phía giáo viên:

- Khả năng kể chuyện của một số giáo viên còn hạn chế nên rất ngán ngại dạy tiết Kể chuyện, khâu chuẩn bị cho tiết dạy còn sơ sài, chưa quan tâm sử sụng tranh ảnh đẹp phục vụ cho tiết dạy. Đôi lúc giáo viên chưa thuộc câu chuyện nên lời kể thiếu mạch lạc, không thu hút học sinh.

- Hầu hết giáo viên dành nhiều thời gian để rèn đọc, rèn viết và dạy môn Toán cho học sinh mà chưa quan tâm đến việc rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh.

- Sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học chưa phát huy tính cực, chủ động, sáng tạo của các em.

            b. Về phía học sinh:

- Học sinh là con em nông thôn, đa số rụt rè nhút nhát, khả năng ghi nhớ còn chậm, vốn từ hạn chế, nói chưa thành câu, diễn đạt chưa rõ ý, chưa biết dùng lời lẽ của mình để thể hiện giọng kể nhân vật trong mỗi câu chuyện cho phù hợp.

- Khi kể chuyện trong nhóm, trước lớp, một số em còn ngại ngùng không dám bộc lộ khả năng của mình vì sợ các bạn cười. Vì vậy, khi tổ chức cho các em bình chọn bạn kể hay, thì thường những học sinh vượt bậc trong học tập hay những bạn có năng khiếu được bình chọn.

 

 

 

 

II. Các biện pháp đã thực hiện

       1. Chuẩn bị bài dạy và tự bồi dưỡng kĩ năng kể chuyện của giáo viên

1.1. Lập kế hoạch bài dạy trước khi đến lớp

Đầu tiên, tôi nghiên cứu câu chuyện kể trong sách giáo khoa và sách giáo viên, dựa vào đó để soạn kế hoạch bài dạy theo quy trình của tiết kể chuyện. Lựa chọn những câu hỏi kích thích sự tò mò, gây chú ý để cuốn hút học sinh. Phân hóa đối tượng, câu hỏi nào dành cho dạng học sinh nào, học sinh nào cần được quan tâm, học sinh nào rụt rè nhút nhát gọi thường xuyên, học sinh nào cần được bồi dưỡng để phát triển năng khiếu. Lựa chọn phương pháp dạy học tích cực như động não, thảo luận nhóm, trò chơi… ; hình thức tổ chức dạy học có thể là cá nhân, nhóm, lớp phù hợp với từng hoạt động cụ thể trong tiết dạy. Việc chuẩn bị đồ dùng dạy học như tranh ảnh minh họa, đồ dùng phục vụ các trò chơi, bài dạy powerpoint,... rất cần thiết. Ngoài ra, việc soạn kế hoạch bài dạy chi tiết cũng giúp tôi dạy đúng quy trình, bám vào trọng tâm bài dạy.

1.2. Bồi dưỡng kĩ năng kể chuyện

Theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, học sinh lớp 1 chỉ cần kể lại được một đoạn câu chuyện dựa theo tranh và câu hỏi gợi ý dưới tranh là đạt. Tuy nhiên, việc hướng các em có được kĩ năng kể chuyện như: biết cách kể chuyện có ngữ điệu, giọng điệu phù hợp với nhân vật, tốc độ kể phù hợp, tự tin khi kể và có thể kết hợp cử chỉ, điệu bộ phù hợp là cần thiết nhưng không áp đặt các em. Làm thế nào để học sinh có được kĩ năng đó một cách tự nhiên ? Câu trả lời phụ thuộc vào giáo viên. Ở lứa tuổi này, học sinh chủ yếu lắng nghe và bắt chước giọng điệu, cử chỉ của giáo viên khi kể. Đặc biệt là học sinh có năng khiếu, chăm học, các em sẽ rất hứng thú và tập trung vào giọng điệu, cử chỉ của giáo viên và bắt chước rất nhanh. Vì vậy, tôi đã tìm những đoạn video kể chuyện cổ tích trên mạng, các chương trình kể chuyện thiếu nhi trên tivi hay xem những hội thi kể chuyện để nắm được ngữ điệu, tốc độ kể, tham khảo một số động tác, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với lứa tuổi các em để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Để học sinh chú ý và hứng thú trong giờ kể chuyện, tôi đã học thuộc nội dung câu chuyện, tập kể lại câu chuyện nhiều lần. Việc học thuộc giúp tôi thể hiện được cảm xúc, tính cách nhân vật, không ngập ngừng, lúng túng. Khi kể, tôi chú ý cách dừng, cách ngắt giọng cho câu chuyện tự nhiên; điều chỉnh tốc độ, giọng kể to nhỏ phù hợp với nội dung đoạn chuyện. Mặt khác, tôi cũng chú ý kết hợp nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với tình huống và tính cách nhân vật để giúp cho học sinh chú ý, khắc sâu tính cách nhân vật trong câu chuyện.

2. Rèn kĩ năng nghe và ghi nhớ câu chuyện 

Đây là bước quan trọng của bài, học sinh thông qua lời kể của giáo viên, kết hợp tranh minh họa và câu hỏi gợi ý dưới tranh để các em ghi nhớ nội dung. Vì vậy, khi kể chuyện giáo viên nên đứng trên bục giảng sao cho cả lớp có thể quan sát được.

Kể lần 1, giáo viên kể tự nhiên kết hợp với cử chỉ, điệu bộ. Trong quá trình kể, giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi kích thích sự tò mò của học sinh.

Ví dụ: Khi kể câu chuyện Khỉ và Rùa, đến đoạn vợ Khỉ hỏi Rùa về sức khỏe của chị nhà. Giáo viên có thể nêu câu hỏi : “Lúc này, Rùa đang cắn đuôi Khỉ, nếu trả lời câu hỏi của vợ Khỉ thì chuyện gì sẽ xảy ra, và Rùa đã quyết định ra sao ?”

Kể lần 2, giáo viên kể chuyện chậm hơn lần 1, kết hợp với tranh minh họa để học sinh kịp nhìn theo tranh và lời kể của giáo viên.

3. Rèn kĩ năng quan sát, ghi nhớ nội dung từng tranh

Các hình ảnh trong tranh đã tóm tắt nội dung mỗi đoạn. Học sinh dựa vào tranh và gợi ý dưới mỗi tranh để kể từng đoạn câu chuyện. Khi học sinh quan sát và ghi nhớ tốt nội dung từng tranh sẽ kể lại được câu chuyện. Vì vậy, việc phân tích tranh tuy có mất thời gian nhưng nếu giáo viên phân tích tốt sẽ giúp học sinh nhớ câu chuyện nhanh hơn. Hệ thống câu hỏi đặt ra không tập trung ở một số em mà dàn đều cho cả lớp, tôi thường gọi những học sinh ít giơ tay để giúp các em tập trung chú ý, không buồn chán và gợi mở kịp thời để các em có thể trả lời. Khi kể nội dung tranh, nên gọi học sinh có năng khiếu kể lần 1 rồi gọi những em tiếp thu chậm kể lại. Ở những bài đầu tiên, tôi hướng dẫn để học sinh biết cách nhận xét bạn đến những tiết học tiếp theo, tự học sinh sẽ biết cách nhận xét. Việc nhận xét bạn kể giúp học sinh phát triển những năng lực chú ý, nhận xét và đánh giá, đồng thời giúp các em tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Trong tiết học cần tuyên dương những em biết kể phù hợp với giọng nhân vật trong câu chuyện và cả những em tiến bộ dù là rất nhỏ.

4. Rèn kĩ năng kể lại

Kĩ năng này được hình thành khi học sinh kể trong nhóm và kể trước lớp.

Khi học sinh kể chuyện trong nhóm, tôi theo dõi để kịp thời giúp đỡ và khuyến khích học sinh kể giọng phù hợp với giọng của nhân vật trong câu chuyện.

Sau khi kể trong nhóm, giáo viên mời các nhóm lên thi kể trước lớp. Tôi thường chia lớp thành 2 hoặc 3 đội theo dãy bàn. Mỗi đội cử 3 đến 4 bạn kể tùy thuộc vào số tranh trong câu chuyện, học sinh sẽ thi kể nối tiếp tranh. Mỗi đội có thời gian 1 phút để lựa chọn và phân công bạn kể. Giáo viên yêu cầu các bạn còn lại sẽ lắng nghe để bình chọn đội kể hay theo các tiêu chí giáo viên đưa ra. Cho các đội thi kể. Sau đó, giáo viên cho học sinh bình chọn. Giáo viên nhận xét, tuyên dương.

Tiếp theo, tôi cho một vài học sinh kể trước lớp 1 đoạn hoặc 2 - 3 đoạn tùy vào khả năng của các em và cuối cùng là rút ra nội dung câu chuyện.

       5. Tăng cường đồ dùng dạy học, thiết bị phục vụ cho hoạt động dạy học phân môn Kể chuyện.

Nếu thiếu tranh ảnh minh họa cho câu chuyện sẽ làm giảm sự tập trung chú ý ở các em. Vì học sinh lớp 1 còn nhỏ, sự chú ý của các em chưa có chủ định. Nếu chỉ dựa vào tranh ảnh trong sách giáo khoa, giáo viên khó có thể bao quát được hết lớp. Để khắc phục điều này, tôi thường chuẩn bị tranh ảnh phóng to mượn ở thư viện trường. Đôi khi, tôi còn tự làm thêm một số đồ dùng như mão chim vành khuyên, chim chào mào hay mão các con vật khác để tiết học thêm sinh động.

Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin, dạy trình chiếu trên máy vừa mang lại hiệu quả cao, học sinh tập trung thích thú học, vừa giúp tôi đỡ tốn chi phí cho việc in màu tranh. Các bức tranh kể chuyện đẹp, rõ ràng có thể tìm trên mạng. Ngoài ra, tôi có thể tìm những bài hát có liên quan đến câu chuyện làm lời giới thiệu hay tìm đoạn video cho các câu chuyện có liên quan cho học sinh xem trước khi rút ra nội dung câu chuyện. Việc làm này giúp học sinh khắc sâu và nắm nội dung câu chuyện dễ dàng hơn.

          6. Khích lệ, động viên các em trong quá trình kể chuyện

Học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 rất thích được khen. Việc động viên, hỗ trợ kịp thời sẽ tạo cho các em sự hăng say, hứng thú, tự tin khi kể. Ngoài việc khen những em có năng khiếu kể chuyện, tôi còn dành nhiều lời khen, khích lệ những em tiến bộ dù là rất nhỏ. Đồng thời tôi cũng đưa ra biện pháp cần khắc phục giúp các em có hướng phấn đấu hoàn thành tốt hơn phần kể của mình.

Trong quá trình dạy kể chuyện, tôi không ngắt lời học sinh, không bắt buộc các em phải kể được đúng từng chữ như lời kể của giáo viên mà khuyến khích các em kể theo hứng thú, theo cách diễn đạt, cách hiểu của mình sao cho phù hợp với nội dung tranh và diễn biến của câu chuyện. Cách làm này giúp các em tập sử dụng và phát triển vốn từ của bản thân, học tập cách diễn đạt câu chuyện của bạn. Đối với học sinh rụt rè, tôi càng chú ý động viên và khuyến khích cả lớp động viên bạn kể: Ví dụ: Cả lớp sẽ vỗ tay khen thưởng khi bạn giơ tay phát biểu hay xin kể, chú ý nghe bạn kể và vỗ tay khi bạn kể xong… Với những  học sinh vốn từ hạn chế, tôi cho học sinh trả lời những câu hỏi đơn giản, khuyến khích các em nói tròn câu, nêu thêm những câu hỏi nhỏ giúp các em hoàn thiện đoạn kể của mình và không quên dành lời khen để các em có hứng thú kể chuyện.

III. Hiệu quả và khả năng áp dụng

        1.  Hiệu quả

Vận dụng những giải pháp trên đã nâng dần chất lượng dạy học kể chuyện ở cuối học kì I năm học 2017 - 2018. Cụ thể qua bảng so sánh kết quả trước khi áp dụng ở cuối học kì 1 năm 2016 - 2017 và sau áp dụng các biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh ở cuối học kì 1 năm 2017 - 2018.

Bảng so sánh kết quả trước khi áp dụng  ở cuối học kì I năm học 2016 – 2017 và sau khi áp dụng ở cuối học kì I năm học 2017 – 2018

Năm học

TSHS

Kể được 2 - 3 đoạn câu chuyện

Kể được một đoạn

 câu chuyện

Chưa kể được một đoạn câu chuyện

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

Số lượng

Tỉ lệ

2016 - 2017

28

5

17,9 %

16

57,1 %

7

25 %

2017 - 2018

29

12

41,4 %

16

55,1 %

1

3,5 %

Qua bảng so sánh có thể thấy tỉ lệ học sinh kể được 2 - 3 đoạn câu chuyện rành mạch đã tăng lên đáng kể (tăng từ 17,9 % lên 41,4 %). Số lượng học sinh chưa kể được một đoạn câu chuyện đã giảm nhiều (từ 25% giảm còn 3,5%). Đến cuối học kì 1 năm học 2017 - 2018, chỉ còn 1 học sinh chưa thể tự kể câu chuyện (nguyên nhân là do em chậm biết nói, phát âm chưa rõ) nhưng bản thân em có sự tiến bộ, vui thích và tập trung hơn trong giờ học kể chuyện. Như vậy, sau khi áp dụng các biện pháp trên, hiệu quả mang lại không chỉ cho học sinh mà còn cho cả giáo viên.

* Đối với giáo viên:

Nhờ quá trình luyện tập, bản thân tôi đã tự tin và kể chuyện hay hơn rất nhiều. Lời kể mạch lạc kết hợp với cử chỉ, điệu bộ cuốn hút giúp tiết học sinh động hơn, thú vị hơn. Những cử chỉ, điệu bộ của tôi được học sinh bắt chước rất nhanh. Có em còn biết sáng tạo riêng cho phù hợp với nội dung và nhân vật trong câu chuyện.

Qua trao đổi chuyên môn, giáo viên trong khối đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các tiết dạy Kể chuyện, giáo viên chuẩn bị bài chu đáo, sử dụng đồ dùng dạy học có hiệu quả, kịp thời điều chỉnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học giúp cho hoạt động dạy học nhịp nhàng, tiết học sinh động, hiệu quả.

Giáo viên kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khen ngợi, đồng thời cũng kịp thời gợi mở, giúp đỡ các em khi cần thiết.

* Đối với học sinh:

Học sinh háo hức chờ đến tiết kể chuyện, các em rất vui thích và tập trung trong giờ học. Các em rụt rè đã mạnh dạn hơn, có em còn biết kết hợp cử chỉ, điệu bộ khi kể, ham thích được lên kể cho các bạn nghe.

 Số lượng học sinh kể hay, kể được một đoạn câu chuyện ngày càng tăng, số lượng học sinh chưa kể được giảm đáng kể.

 

 

       2. Khả năng áp dụng

Tăng cường rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình dạy học. Sáng kiến đã được áp dụng từ đầu năm học đến cuối học kì I năm học         2017 – 2018 cho học sinh lớp 1/1 trường Tiểu học Tân Dương 1, thực tế đã đem lại những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học phân môn Kể chuyện của lớp. Từ đó, giáo viên kịp thời phát hiện những học sinh có năng khiếu để tiếp tục bồi dưỡng. Với kết quả trên, tôi nghĩ sáng kiến này có thể áp dụng trong phạm vi toàn khối, toàn trường và các trường trong huyện góp phần nâng cao chất lượng dạy học phân môn Kể chuyện.

Post a Comment

Previous Post Next Post