Ảnh hưởng của thuyết Piaget đối với giáo viên

 

ẢNH HƯỞNG CỦA THUYẾT Piaget ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN

Piaget không đưa ra những khuyến nghị giáo dục cụ thể mà ông quan tâm nhiều hơn đến việc hiểu được suy nghĩ của học sinh. Tuy nhiên ông cũng trình bày một số ý tưởng chung về triết lý giáo dục. Ông tin rằng mục tiêu chính của giáo dục phải là giúp học sinh học được cách học, và giáo dục phải ‘hình thành chứ không trang bị’ tư udy của học sinh (Piaget, 1969, trang. 70). Mặc dù Piaget không thiết kế các chương trình giáo dục dựa trên ý tưởng của mình, nhưng nhiều người khác thì lại thiết kế chương trình dựa trên ý tưởng của ông. Ví dụ: Hiệp hội quốc gia về giáo dục học sinh (Mỹ) đưa ra các hướng dẫn về giáo dục phù hợp với sự phát triển đã kết hợp các phát hiện của Piaget và nhiều khung chương trình giảng dạy ở Úc và New Zealand sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận điều tra, kiến tạo tích cực, trong đó bao gồm cả các kết quả liên quan đến độ tuổi hoặc giai đoạn. Piaget đã dạy chúng ta rằng chúng ta có thể học được nhiều điều về cách suy nghĩ của học sinh bằng cách lắng nghe và chú ý đến cách giải quyết vấn đề của các em. Nếu chúng ta hiểu được suy nghĩ của học sinh, chúng ta sẽ có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp hơn với khả năng của học sinh.

Hiểu và xây dựng trên suy nghĩ của học sinh

Học sinh ở bất kỳ lớp nào cũng sẽ có các trình độ nhận thức và kiến thức học thuật khác nhau. Là giáo viên, các thầy cô sẽ làm thế nào để xác định là HS đang gặp khó khăn do các em thiếu khả năng tư duy cần thiết hay chỉ đơn giản là do các em chưa được học về những kiến thức cơ bản? Để làm được điều này, Case (1985; 1992) khuyến nghị các thầy cô quan sát kỹ HS của mình khi các em đang cố gắng giải quyết vấn đề mà GV đặt ra cho các em. Các em sử dụng loại logic gì? Các em có chỉ tập trung vào một khía cạnh của tình huống hay không? Các em có bị đánh lừa bởi hình thức không? Các em đưa ra các giải pháp một cách có hệ thống hay chỉ phỏng đoán và quên đi những phương án các em đã thử? Hỏi HS của mình xem các em đã cố gắng giải quyết vấn đề như thế nào. Lắng nghe các chiến lược của các em. Những kiểu tư duy nào đằng sau những lỗi hoặc vấn đề bị lặp lại liên tục? Học sinh chính là nguồn thông tin tốt nhất về khả năng tư duy của các em.

Một ảnh hưởng quan trọng của lý thuyết của Piaget đối với việc giảng dạy là điều mà Hunt nhiều năm trước (1961) gọi là "vấn đề của sự phù hợp". Học sinh không được cảm thấy buồn chán bởi công việc quá đơn giản cũng như không bị tụt hậu bởi cách dạy mà các em không thể hiểu được. Theo Hunt, sự mất cân bằng (không tương xứng) phải được giữ ở mức "vừa phải" để khuyến khích sự phát triển. Việc tạo ra các tình huống dẫn đến lỗi có thể giúp tạo ra một mức độ không tương xứng phù hợp. Khi học sinh trải nghiệm một mâu thuẫn nào đó giữa những gì mà các em nghĩ sẽ xảy ra (một miếng gỗ sẽ chìm vì nó lớn) và những gì thực sự xảy ra (miếng gỗ đó nổi!), các em có thể suy nghĩ lại về tình huống và kiến thức mới có thể phát triển.

Một điều nữa cũng cần được chỉ ra rằng nhiều tài liệu và bài học có thể được hiểu ở nhiều mức độ khác nhau và có thể ở mức ‘vừa phải” đối với nhiều khả năng nhận thức. Các tác phẩm kinh điển như Alice ở xứ sở thần tiên, thần thoại và truyện cổ tích có thể được thưởng thức ở cả mức độ cụ thể và mức độ biểu tượng. Các em cũng có thể được giới thiệu về một chủ đề cùng nhau, sau đó làm việc riêng về các hoạt động tiếp theo phù hợp với trình độ của các em. Good and Brophy (2003) mô tả các phiếu hoạt động cho ba hoặc bốn mức độ năng lực. Các phiếu này cung cấp các bài đọc và bài tập khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu chung của cả lớp. Một trong các phiếu phải "phù hợp" với mỗi HS.

Hoạt động và kiến tạo kiến thức

Ý nghĩa cơ bản của thuyết Piaget là các cá nhân tự kiến tạo sự hiểu biết của riêng mình; học tập là một quá trình kiến tạo. Ở mọi cấp độ phát triển nhận thức, các thầy cô cũng sẽ muốn thấy các em HS tích cực tham gia vào quá trình học tập. Theo như ông nói, thì:

Kiến thức không phải là bản sao của thực tại. Để biết một đối tượng, biết một sự kiện, không chỉ đơn giản là nhìn vào nó và tạo ra một bản sao hoặc hình ảnh về nó. Biết một đối tượng chính là hành động trên đối tượng đó. Biết chính là sửa đổi, biến đổi đối tượng, và hiểu quá trình biến đổi này, và kết quả là hiểu cách đối tượng được kiến tạo như thế nào. (Piaget, 1964, trang 8)

Hoạt động trải nghiệm tích cực này, ngay cả ở những cấp học đầu tiên, không nên chỉ giới hạn ở các thao tác vật lý với các đối tượng. Nó cũng phải bao gồm cả việc vận dụng trí óc đối với các ý tưởng nảy sinh từ các dự án hoặc thí nghiệm trên lớp (Gredler, 2009). Ví dụ: trong nội dung của một bài nói về các công việc khác nhau, một giáo viên tiểu học có thể cho học sinh xem ảnh của một người phụ nữ và hỏi, "Người này có thể là ai?". Sau những câu trả lời như ‘giáo viên’, ‘bác sĩ’, ‘thư ký’, ‘luật sư’, ‘cô bán hàng’, v.v., giáo viên có thể gợi ý, “Thế còn con gái thì sao?”. Những câu trả lời như "chị", "mẹ", "dì" và "cháu gái" có thể sẽ được đưa ra. Điều này sẽ giúp học sinh chuyển đổi các khía cạnh trong việc phân loại của các em và tập trung vào một khía cạnh khác của tình huống. Tiếp theo, giáo viên có thể gợi ý ‘là người Úc’ hoặc ‘người chạy bộ’. Với học sinh lớn hơn, việc phân loại theo thứ bậc có thể được đưa vào: đó là hình ảnh của một người phụ nữ, một con người; con người là một loài linh trưởng, là động vật có vú, là động vật, là một dạng sinh vật sống.

Tất cả HS cần phải tương tác với GV và với các bạn cùng lớp để kiểm tra khả năng tư duy, để được thử thách, nhận phản hồi, và quan sát xem các bạn khác xử lý vấn đề như thế nào. Sự mất cân bằng thường được phát triển một cách rất tự nhiên khi giáo viên hoặc một bạn HS khác đề xuất một cách suy nghĩ mới về một điều gì đó. Theo nguyên tắc chung, học sinh phải hành động, thao tác, quan sát, sau đó nói chuyện và / hoặc viết (cho giáo viên và cho các bạn) về những gì các em đã trải qua. Những kinh nghiệm cụ thể cung cấp nguyên liệu thô cho tư duy. Việc giao tiếp với người khác khiến các em phải sử dụng, kiểm tra và đôi khi thay đổi khả năng tư duy của mình.

 

Khi học sinh trưởng thành, các em dần dần phát triển các quy tắc và chiến lược tốt hơn cho việc giải quyết vấn đề và suy nghĩ logic và linh hoạt (Siegler, 2000, 2004). Giáo viên có thể giúp học sinh phát triển năng lực tư duy chính thức bằng cách đặt học sinh vào những tình huống thách thức tư duy của các em, bộc lộ những thiếu sót trong logic của các em và thay đổi các quy tắc mà các em sử dụng để tư duy.

 

HƯỚNG DẪN

Với học sinh nhỏ tuổi

Sử dụng đạo cụ và dụng cụ trực quan bất cứ khi nào có thể.

1.      Khi thảo luận về các khái niệm như "một phần", "toàn bộ" hoặc "một nửa", hãy sử dụng các hình dạng trên bảng nỉ hoặc "bánh pizza" bằng bìa cứng để minh họa.

2.      Cho học sinh làm phép cộng và trừ bằng các que tính, viên đá hoặc mảnh gỗ màu.

Đưa ra các hướng dẫn ngắn gọn, sử dụng hành động cũng như lời nói.

1.      Khi đưa ra hướng dẫn về cách vào phòng học sau giừo giải lao và chuẩn bị cho một hoạt động, hãy yêu cầu một học sinh thể hiện quy trình cho các bạn khác trong lớp bằng cách bước vào nhẹ nhàng, đi thẳng về chỗ ngồi và đặt các tài liệu trên bàn của mình.

2.      Giải thích một trò chơi bằng cách diễn một trong các vai.

Giúp học sinh phát triển năng lực quan sát thế giới từ quan điểm của người khác.

1.      Yêu cầu học sinh tưởng tượng bạn của mình có thể cảm thấy như thế nào, khi các em từ chối chơi với bạn của mình, hoặc khi bạn của mình bị mất một món đồ chơi mới.

2.      Phải hiểu rõ về các quy tắc chia sẻ hoặc sử dụng tài liệu. Giúp học sinh phát triển sự đồng cảm bằng cách yêu cầu các em suy nghĩ về cách các em muốn được đối xử như thế nào. Tránh giải thích dài dòng về lý do của các quy tắc hoặc lên lớp dài dòng về "lòng tốt ".

Cung cấp cho học sinh nhiều bài tập thực hành với các kỹ năng đóng vai trò làm nền tảng phát triển các kỹ năng phức tạp hơn như đọc hiểu.

 

1.      Cung cấp các chữ cái cắt ra để ghép từ.

2.      Đưa ra các hoạt động đòi hỏi xử lý đồ vật, đo lường và tính toán đơn giản — nấu ăn, xây dựng khu vực trưng bày cho bài tập của lớp, chia đều một mẻ bỏng ngô, v.v.

Cung cấp nhiều trải nghiệm khác nhau để xây dựng nền tảng cho việc học khái niệm và ngôn ngữ.

 

1.      Đi tham quan vườn thú, vườn bách thảo, nhà hát, buổi hoà nhạc; mời người đến kể chuyện cho cả lớp.

2.      Cho học sinh các từ để mô tả những gì các em đang làm, nghe, nhìn, sờ, nếm, và ngửi.

 

DẠY CHO HỌC SINH LỚP 2 VÀ CAO HƠN

Tiếp tục sử dụng các đạo cụ và công cụ hỗ trợ trực quan, đặc biệt là khi làm việc với các vấn đề phức tạp.

 

1.      Sử dụng các dòng thời gian và hình ảnh minh họa trong lịch sử, và các mô hình ba chiều trong khoa học.

2.      Sử dụng các sơ đồ để minh họa các mối quan hệ thứ bậc, chẳng hạn như các cấp chính quyền và các cơ quan dưới mỗi cấp.

Tiếp tục cho học sinh cơ hội để thao tác và kiểm tra đối tượng.

1.      Làm các thí nghiệm khoa học đơn giản như sau về mối quan hệ giữa lửa và oxi: Điều gì xảy ra với ngọn lửa khi em thổi vào ngọn lửa từ xa? (Nếu ngọn lửa không bị thổi tắt, thì ngọn lửa sẽ bùng cháy to hơn trong một thời gian ngắn, vì nó có nhiều oxy hơn để cháy.) Điều gì xảy ra khi em chụp một cái lọ lên ngọn lửa?

2.      Cho học sinh làm nến bằng cách nhúng bấc vào sáp, dệt vải trên khung cửi đơn giản, nướng bánh mì, nặn bằng tay hoặc làm các công việc thủ công khác minh họa nghề nghiệp hàng ngày của người dân thời thuộc địa.

Đảm bảo rằng các bài thuyết trình và bài đọc ngắn gọn và có bố cục tốt.

1.      Giao bài tập bằng các câu chuyện hoặc sách có các chương ngắn, logic, chỉ chuyển sang các bài tập đọc dài hơn khi học sinh đã sẵn sàng.

2.      Chia nhỏ bài thuyết trình để thực hành các bước đầu tiên trước khi giới thiệu phần tiếp theo.

Sử dụng các ví dụ quen thuộc để giải thích các ý tưởng phức tạp

1.      So sánh cuộc sống của học sinh với cuộc sống của các nhân vật trong truyện. Hỏi những câu hỏi liên quan, như: ‘Em đã bao giờ phải ở một mình trong thời gian dài chưa? Em cảm thấy thế nào?'

2.      Dạy khái niệm về diện tích bằng cách cho học sinh đo hai phòng học trong trường có kích thước khác nhau.

Tạo cơ hội để phân loại và nhóm các đối tượng và ý tưởng với mức độ phức tạp tăng dần.

 

1.      Phát cho các học sinh tờ giấy có ghi các câu riêng lẻ trên mỗi phiếu và yêu cầu các em gộp các câu lại thành đoạn văn.

2.      So sánh các hệ thống của cơ thể con người với các loại hệ thống khác: não với máy tính, tim với máy bơm. Chia nhỏ câu chuyện thành các phần, từ khái quát đến cụ thể: tác giả; câu chuyện; nhân vật, cốt truyện, chủ đề; địa điểm, thời gian; đối thoại, miêu tả, hành động.

Trình bày những vấn đề đòi hỏi tư duy logic, phân tích.

1.      Sử dụng các trò chơi trí óc, MasterMind và câu đố.

2.      Thảo luận về những câu hỏi gợi mở kích thích tư duy: ‘Bộ não và trí óc có giống nhau không?’, ‘Hội đồng địa phương nên giải quyết thế nào với những con vật đi lạc?’, ‘Con số lớn nhất là bao nhiêu?’.

 

Cho học sinh cơ hội để giải quyết vấn đề và suy luận một cách khoa học.

1. Lập các cuộc thảo luận nhóm trong đó HS thiết kế các thí nghiệm để trả lời câu hỏi.

2. Yêu cầu HS chứng minh hai lập trường khác nhau về quyền động vật, với các lập luận logic cho mỗi lập trường.

 

Bất cứ khi nào có thể, hãy dạy các khái niệm tổng quát, chứ không chỉ sự kiện, bằng cách sử dụng các tư liệu và ý tưởng liên quan đến cuộc sống của HS.

 

1. Khi thảo luận về thiên tai, hãy xem xét các vấn đề khác có tác động đến khả năng phục hồi của cộng đồng địa phương.

2. Sử dụng lời bài hát phổ biến để dạy thơ ca, phản ánh các vấn đề xã hội và kích thích thảo luận về vị trí của âm nhạc đại chúng trong nền văn hóa của chúng ta.

Post a Comment

Previous Post Next Post