Thuyết của Piaget về phát triển nhận thức

 

THUYẾT CỦA Piaget VỀ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

Bắt đầu từ những năm 1950, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget đã nghĩ ra một mô hình mô tả cách con người hiểu về thế giới của mình bằng cách thu thập và tổ chức thông tin (Piaget, 1954; 1963; 1970a; 1970b). Chúng ta sẽ xem xét các ý tưởng của Piaget một cách chặt chẽ vì chúng cung cấp lời giải thích về sự phát triển tư duy từ giai đoạn sơ sinh đến khi trưởng thành.

Theo Piaget (1954), một số cách suy nghĩ khá đơn giản đối với một người lớn, thì lại không đơn giản đối với một đứa trẻ. Ví dụ, Piaget hỏi một đứa trẻ 9 tuổi:

Quốc tịch của cháu là gì? —Cháu là người Thụy Sĩ. — Sao lại như vậy? —Vì cháu sống ở Thụy Sĩ. — Cháu cũng là người dân Geneva? —Không, điều đó là không thể. .  Cháu đã là người Thụy Sĩ, thì cháu không thể là người Geneva. (Piaget, 1965, trang 252)

Đôi khi tất cả những gì ta cần làm để dạy một khái niệm mới là cung cấp cho học sinh một vài thông tin cơ bản làm nền tảng. Tuy nhiên, có những thời điểm mà tất cả các thông tin trên thế giới đều vô ích. Các học sinh chỉ đơn giản là chưa sẵn sàng để học khái niệm mới đó. Giống như đứa trẻ 9 tuổi ở trên, các em có thể gặp khó khăn khi phân loại một khái niệm (Geneva) như một nhánh nhỏ của một khái niệm khác (Thụy Sĩ). Hoặc quan niệm của các em về thời gian có thể khác với quan niệm của chúng ta. Chẳng hạn, các em có thể nghĩ rằng một ngày nào đó các em sẽ bắt kịp tuổi của một anh chị em nào đó, hoặc các em có thể nhầm lẫn giữa quá khứ và tương lai. Chúng tôi hãy cùng nhau xem xét lý do tại sao.

Ảnh hưởng đến sự phát triển

Phát triển nhận thức không chỉ là việc bổ sung các thông tin và ý tưởng mới vào kho thông tin hiện có. Theo Piaget, quá trình suy nghĩ của chúng ta thay đổi hoàn toàn, mặc dù chậm, từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành vì chúng ta không ngừng nỗ lực để tìm hiểu thế giới. Chúng ta làm điều đó như thế nào? Piaget đã xác định bốn yếu tố — sự trưởng thành sinh học, hoạt động, trải nghiệm xã hội và sự cân bằng — tương tác để ảnh hưởng đến những thay đổi trong tư duy (Piaget, 1970a). Chúng ta hãy xem xét nhanh ba yếu tố đầu tiên. Chúng ta sẽ quay lại thảo luận về yếu tố cân bằng trong phần tiếp theo.

Một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đến cách chúng ta cảm nhận thế giới là sự trưởng thành, sự bộc lộ những thay đổi sinh học được lập trình về mặt di truyền. Cha mẹ và giáo viên có rất ít tác động đến khía cạnh này của sự phát triển nhận thức, ngoại trừ việc đảm bảo rằng trẻ em nhận được dinh dưỡng và chăm sóc cần thiết để khỏe mạnh.

Một ảnh hưởng khác hoạt động. Cùng với sự trưởng thành về thể chất, khả năng để hành động với môi trường và học hỏi từ đó ngày càng gia tăng. Ví dụ: khi khả năng phối hợp của trẻ nhỏ được phát triển một cách hợp lý, trẻ có thể khám phá các nguyên tắc về sự cân bằng bằng cách thử nghiệm với một cái cưa. Do đó, khi chúng ta hành động với môi trường - khi chúng ta khám phá, thử nghiệm, quan sát và cuối cùng sắp xếp thông tin – thì cùng lúc đó chúng ta đã gần như điều chỉnh quá trình tư duy của mình.

Khi chúng ta phát triển, chúng ta cũng đang tương tác với những người xung quanh. Theo Piaget, sự phát triển nhận thức của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự lan truyền xã hội, hoặc học hỏi từ những người khác. Nếu không có sự lan truyền xã hội, chúng ta sẽ phải tái tạo lại tất cả những kiến thức đã được cung cấp bởi nền văn hóa của chúng ta. Số lượng người có thể học được từ lan truyền xã hội thay đổi tùy theo mức độ phát triển nhận thức của họ.

Sự trưởng thành, hoạt động và sự lan truyền xã hội cùng ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức. Làm thế nào để chúng ta phản ứng lại với những ảnh hưởng này?

Các khuynh hướng cơ bản trong tư duy

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của ông trong lĩnh vực sinh học, Piaget kết luận rằng tất cả các loài đều thừa hưởng hai khuynh hướng cơ bản, hay còn gọi là 'chức năng bất biến'. Khuynh hướng đầu tiên là hướng tới tổ chức - sự kết hợp, sắp xếp, tái kết hợp và sắp xếp lại các hành vi và suy nghĩ thành các hệ thống có tính xuyên suốt. Khuynh hướng thứ hai là hướng tới thích nghi, hay điều chỉnh theo môi trường.

Tổ chức Con người được sinh ra với khuynh hướng tổ chức các quá trình tư duy của mình thành các cấu trúc hoặc cơ chế tâm lý. Những cấu trúc này là những hệ thống giúp chúng ta hiểu và tương tác với thế giới. Những cấu trúc đơn giản liên tục được kết hợp và phối hợp để trở nên phức tạp hơn và do đó hiệu quả hơn. Ví dụ, trẻ sơ sinh có thể nhìn một vật hoặc cầm nắm khi vật đó tiếp xúc với tay. Trẻ không thể phối hợp nhìn và nắm cùng một lúc. Tuy nhiên, khi trẻ phát triển, trẻ sơ sinh sắp xếp hai cấu trúc hành vi riêng biệt này thành một cấu trúc phối hợp ở cấp độ cao hơn là nhìn, với tới và nắm bắt vật thể. Tất nhiên, trẻ vẫn có thể sử dụng từng cấu trúc riêng biệt (Ginsburg & Opper, 1988; Miller, 2016).

Piaget đặt cho các cấu trúc này một tên gọi đặc biệt: biểu đồ (schemes). Theo lý thuyết của ông, các biểu đồ là nền tảng cơ bản của tư duy. Chúng là những hệ thống hành động hoặc suy nghĩ có tổ chức cho phép chúng ta hình dung hoặc ‘nghĩ về’ các đối tượng và sự kiện trong thế giới của chúng ta. Các biểu đồ có thể rất nhỏ và cụ thể; ví dụ, biểu đồ hút nước bằng ống hút hoặc biểu đồ nhận dạng bông hoa hồng. Các biểu đồ có thể lớn hơn và tổng quát hơn — như biểu đồ uống hoặc biểu đồ phân loại thực vật. Như chúng ta đã thấy trong phần trước về phát triển não bộ, quá trình suy nghĩ của một người trở nên có tổ chức hơn và các biểu đồ mới được phát triển để đáp ứng các trải nghiệm của họ. Hành vi cũng trở nên phức tạp hơn và phù hợp hơn với các tình huống cụ thể.

Thích nghi Ngoài xu hướng tổ chức cấu trúc tâm lý của mình, con người cũng thừa hưởng xu hướng thích nghi với môi trường. Hai quá trình cơ bản liên quan đến sự thích nghi là: đồng hóa và điều ứng.

Đồng hoá diễn ra khi người ta sử dụng các biểu đồ đang có sẵn để hiểu các sự kiện trong thế giới của họ. Đồng hóa liên quan đến việc cố gắng hiểu một điều gì đó mới bằng cách lắp nó vào những gì chúng ta đã biết. Đôi khi, chúng ta có thể phải bóp méo thông tin mới để làm cho nó phù hợp. Ví dụ, nhiều đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy một con chuột túi, chúng gọi nó là một con chó. Chúng cố gắng kết hợp trải nghiệm mới với một biểu đồ nhận dạng động đang có sẵn.

Điều ứng diễn ra khi một người thay đổi các biểu đồ có sẵn để đáp ứng một tình huống mới. Nếu không thể tạo ra dữ liệu phù hợp với bất kỳ biểu đồ có sẵn nào, thì phải phát triển các cấu trúc tinh thần phù hợp hơn. Chúng ta điều chỉnh suy nghĩ của mình để phù hợp với thông tin mới, thay vì điều chỉnh thông tin để phù hợp với suy nghĩ của mình. Trẻ em thể hiện sự điều ứng khi chúng thêm biểu đồ nhận dạng chuột túi vào hệ thống nhận dạng động vật khác của chúng.

Con người thích nghi với môi trường ngày càng phức tạp của mình bằng cách sử dụng các biểu đồ có sẵn bất cứ khi nào các biểu đồ này phù hợp (đồng hóa) và bằng cách sửa đổi và thêm vào các biểu đồ của mình khi cần một cái gì đó mới (điều ứng). Cả hai quy trình hầu như lúc nào cũng đều cần thiết. Ngay cả khi sử dụng một mô hình đã được thiết lập sẵn như hút nước qua ống hút cũng có thể phải điều ứng nếu ống hút có kích thước hoặc chiều dài khác với loại bạn quen dùng. Nếu bạn đã thử uống nước trái cây từ hộp nước trái cây, bạn biết rằng bạn phải bổ sung thêm một kỹ năng mới vào biểu đồ hút nước của mình — không bóp hộp, nếu không nước trái cây sẽ phun qua ống hút, bay thẳng lên không trung và lên quần áo của bạn. Bất cứ khi nào trải nghiệm mới được đồng hóa vào một biểu đồ có sẵn, thì biểu đồ đó sẽ được mở rộng và thay đổi phần nào, do đó, sự đồng hóa bao gồm một số sự điều ứng.

Có nhiều lúc cả sự đồng hóa lẫn điều ứng đều không được sử dụng. Nếu người ta gặp điều gì đó quá xa lạ, họ có thể bỏ qua nó. Kinh nghiệm được sàng lọc để phù hợp với kiểu suy nghĩ mà một người đang thực hiện tại một thời điểm nhất định. Ví dụ, nếu bạn tình cờ nghe được một cuộc trò chuyện bằng tiếng nước ngoài, bạn có thể sẽ không cố gắng để hiểu cuộc trao đổi đó trừ khi bạn có một số kiến thức về ngôn ngữ này.

Cân bằng Theo Piaget, tổ chức, đồng hoá và điều ứng có thể được xem như một hành động cân bằng phức tạp. Theo thuyết của ông, những thay đổi thực tế trong suy nghĩ diễn ra thông qua quá trình cân bằng — hành động tìm kiếm sự cân bằng. Piaget giả thiết rằng con người liên tục kiểm tra tính đầy đủ của các quá trình tư duy của mình để đạt được sự cân bằng đó. Tuy nhiên, mức độ mất cân bằng phải tối ưu – nếu quá ít, thì chúng ta không có động lực để thay đổi; nếu quá nhiều thì chúng ta có thể nản lòng hoặc lo lắng và không thay đổi.

Tóm lại, quá trình cân bằng hoạt động như sau: nếu chúng ta áp dụng một biểu đồ cụ thể cho một sự kiện hoặc một tình huống và biểu đồ đó hoạt động, thì sự cân bằng sẽ tồn tại. Nếu biểu đồ đó không tạo ra kết quả như mong muốn, thì hiện tượng mất cân bằng diễn ra và chúng ta trở nên khó chịu. Điều này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm giải pháp thông qua sự đồng hóa và điều ứng, và do đó suy nghĩ của chúng ta thay đổi và tiến lên phía trước.

Post a Comment

Previous Post Next Post